Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 Chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong đó, trường hợp quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (Khoản 3, Điều 72) và quy định về nộp phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại điểm d, khoản 9, Điều 50; khoản 3, Điều 71 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (Khoản 4, Điều 72).
Giấy phép nghiệp vụ viễn thông được cấp theo quy định của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép viễn thông trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà đến ngày 1/7/2024 chưa được cấp giấy phép thì được xem xét cấp giấy phép theo quy định của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ” , chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật. Thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị giữ tên gọi như trong dự thảo Luật.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông.
UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32).
UBTVQH cho rằng việc miễn, giảm đóng góp tài chính của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia” theo chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước có quy định miễn đóng góp cho doanh nghiệp viễn thông vào quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích trong một số trường hợp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị làm rõ việc tổ chức quốc tế thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có đề nghị đánh giá tác động bổ sung. UBTVQH nhận thấy, đây là nội dung mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, phát sinh nghĩa vụ tài chính (mặc dù mức thu không lớn), do đó cần rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tác động.
Ông Lê Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu, rà soát, xem xét đánh giá tác động, UBTVQH thấy rằng, việc thu, nộp lệ phí đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng số hiệu mạng là nghĩa vụ bắt buộc, thực hiện theo quy định quốc tế. Nếu Việt Nam không có quy định này, các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 04 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC.
Việc thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ thực hiện tương tự như đối với địa chỉ Internet (đã triển khai từ trước đến nay). Mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ miễn, giảm đối với phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Phí và lệ phí. Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý cấp, phân bổ số hiệu mạng) sẽ có trách nhiệm tổ chức việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng.
Chủ thể có trách nhiệm nộp lệ phí, phí là tổ chức, doanh nghiệp đăng ký sử dụng số hiệu mạng tại Việt Nam. Lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng được nộp 100% vào ngân sách nhà nước.
Minh Đức
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|