Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

(Banker.vn) Chiều 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với tỷ lệ tán thành cao.
Thống nhất đề xuất bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ Đề nghị không bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ Đề xuất về chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Chiều 28/6 tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với 463/464 tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,27%.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại khoản 1 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với nội dung Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.

Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và quy định “Người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư” tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật (khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 11a).

Về chế độ, biện pháp cảnh vệ, dự thảo Luật quy định theo nhóm đối tượng có cùng chế độ, biện pháp, phù hợp với các nhóm chức vụ, chức danh theo Kết luận số 35-KL/TW. Theo đó, các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an.

Do việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong Luật là giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, không giao ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung này.

Dự thảo Luật đã quy định khái quát trường hợp, tiêu chí áp dụng là: “Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại” bảo đảm tính linh hoạt để giải quyết các tình huống đột xuất cần triển khai công tác cảnh vệ. Về đề nghị của các cơ quan, cá nhân cụ thể thuộc quy trình, thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, để bảo đảm tính linh hoạt nên không quy định cụ thể trong dự thảo Luật này.

Về lực lượng Cảnh vệ (khoản 11 Điều 1, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 Luật hiện hành), một số ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng Cảnh vệ của dự thảo Luật mâu thuẫn với Điều 4 và Điều 20 Luật Cảnh vệ hiện hành, chưa thống nhất với cách quy định về tổ chức trong Luật Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh vệ cho phù hợp với thực tế; làm rõ nhu cầu cần thiết bố trí lực lượng Cảnh vệ tại Công an một số địa phương; đề nghị quy định chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không làm tăng biên chế và bộ máy; có ý kiến đề nghị lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở cấp Bộ không tổ chức ở địa phương và Chính phủ quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện công tác cảnh vệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nên nhu cầu thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là rất cần thiết, trên cơ sở bố trí, điều chỉnh biên chế quân số hiện có, không làm phát sinh tổ chức, biên chế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ lại nội dung quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Cảnh vệ hiện hành để tạo sự thống nhất ngay trong dự thảo Luật và bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan; đồng thời, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tránh phát sinh tăng biên chế, dự thảo Luật quy định theo hướng, trong trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như quy định tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 13 Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật hiện hành), nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị quy định thuê lực lượng, phương tiện trong trường hợp bất khả kháng; quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nguồn kinh phí chi trả, bồi thường thiệt hại nếu có; làm rõ thuê lực lượng, phương tiện trong nước hay của nước nước ngoài và ưu tiên thuê trong nước; đề nghị quy định chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ đối với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, cần phải có cơ chế cho lực lượng Cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài (không phải trong nước) trong trường hợp cần thiết. Nguồn kinh phí để thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài là ngân sách nhà nước.

Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam để thực hiện, trong đó có pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công.

Do đó, trong dự thảo Luật không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ. Để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh sửa quy định này tại điểm a khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật (điểm g2 khoản 1 Điều 20).

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 34, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao kinh phí thực hiện thuê lực lượng, phương tiện cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ để bảo đảm chủ động trong thực hiện công tác cảnh vệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khi các lãnh đạo chủ chốt đi công tác nước ngoài, chủ yếu công tác bảo đảm kinh phí, hậu cần, thanh quyết toán do 04 Văn phòng trung ương thực hiện, trong đó kinh phí thuê lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ thuộc nội dung chi an ninh, là một trong những nội dung chi của Đoàn đối ngoại, lực lượng Cảnh vệ chỉ tập trung công tác chuyên môn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Vì vậy, để thuận lợi cho công tác cảnh vệ, thống nhất một đầu mối thực hiện công tác bảo đảm kinh phí, thanh quyết toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục