Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) Chiều 24/6, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh
Cần có chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài Cơ chế đặc thù đem lại gì cho hai “đầu tàu” kinh tế của cả nước?

Với 481/487 đại biểu (97,37% tổng số đại biểu tham gia) tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết có 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Trước khi biểu quyết thông qua, báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được trình bày trước Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm chính gồm: Nhóm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội.

Nhóm các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy TP. Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức.

Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

Trong đó, về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư.

Thành phố thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP. Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân quy định.

Việc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố được quy định, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố.

Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha do Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn.

Về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, phường, xã, thị trấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP. Hồ Chí Minh còn 3 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) là huyện loại 2, được bố trí 2 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại 1, được bố trí 2 Phó Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, trong thực tế, quản lý nhà nước tại 3 huyện và 48 phường, xã, thị trấn, số lượng 2 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, 2 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

Do đó, để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương