Quốc hội thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi: Có nên để giá trần, giá sàn dịch vụ hàng không?

(Banker.vn) Chiều 23/5 Quốc hội đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó giá trần, giá sàn nhận được nhiều ý kiến.
Đề xuất quy định giá trần sách giáo khoa, giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu Dự án Luật Giá (sửa đổi): Vì sao cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu? Đại biểu Quốc hội lý giải lý do cần có Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật Giá (sửa đổi)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: "Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Giá (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật".

Trong đó các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung vào các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau; đại biểu cho ý kiến về những vấn đề đã được báo cáo tương đối chi tiết với giá trần, giá sàn, các dịch vụ hàng không và một số nội dung theo gợi ý trong báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách…

Quốc hội thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi: Có nên để giá trần, giá sàn dịch vụ hàng không?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại Quốc hội

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không còn phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi: Có nên để giá trần, giá sàn dịch vụ hàng không?
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đại biểu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và giá bỏ quy định giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Ở góc nhìn khác, trả lời phóng viên bên lề cuộc họp, đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Về nguyên tắc chung, Luật giá xác định là công cụ để nhà nước quản lý giá và điều tiết về giá. Nguyên tắc giá thì do thị trường định giá. Trong nền kinh thị trường hoàn hảo, mọi loại giá được định bởi các nguyên tắc, nguyên lý của thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào để mà điều tiết, xác định giá trong những điều kiện đặc thù. Thứ nhất, khi có yếu tố độc quyền, khi yếu tố độc quyền sẽ làm sai lệch quan hệ cung cầu, giá cả để một vài doanh nghiệp có tính chất độc quyền dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng; thứ hai có yếu tố thiên tai địch họa… sẽ dẫn đến phá vỡ quan hệ cung cầu thì lúc này nhà nước sẽ can thiệp.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi: Có nên để giá trần, giá sàn dịch vụ hàng không?
Đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ thông tin với báo chí bên lề cuộc họp

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng: "Thị trường có nhiều hãng hàng không tham gia tuy nhiên ở một số tuyến/đường bay có sự cạnh tranh “sòng phẳng” nhưng ở một số tuyến chỉ có 1 hãng khai thác, nếu kêu gọi nhiều hãng thì cũng không được do lượng khách ít. Lúc này yếu tố độc quyền còn, chưa kể đến đặc thù hàng không là theo mùa vụ, để điều tiết cho kịp nhu cầu tăng đột biến đó không dễ dàng gì thay đổi như các lĩnh vực hàng hóa khác. Do đó, để hoàn toàn xóa bỏ yếu tố độc quyền thị thị trường hàng không nội địa chưa thể xóa bỏ được mà vẫn cần nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn nhằm bảo vệ người tiêu dùng, để tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh".

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề định giá trong dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa cho thấy, còn một số ý kiến cho rằng không nên áp dụng giá trần vì nhiều lý do như: (1) Dịch vụ này chưa thật sự phù hợp tiêu chí Nhà nước định giá; (2) Không phù hợp nguyên tắc thị trường; (3) Giá trần do cơ quan quản lý Nhà nước quy định trong một số trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư; (4) Việc điều chỉnh giá trần của Nhà nước thường rất chậm, thua lỗ lớn cho doanh nghiệp, làm mất đi nguồn lực, tài nguyên, nguồn thu NSNN của nhà nước. (5) Quy định giá trần nhưng không có giá tối thiểu dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh; (6) Làm hạn chế kinh doanh phân khúc chất lượng cao.

Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Đa số đại biểu quốc hội cũng tán thành việc cần giữ quy định về giá trần; bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương