Quốc hội dự kiến thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM vào tháng 5

(Banker.vn) Dự kiến tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5/2023), Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với Trung tâm Báo chí TPHCM

TP.HCM sẽ 'rã băng' thị trường bất động sản, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp

TP.HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường
TP.HCM dự kiến sẽ thí điểm cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường;...

Tại phiên họp ngày 10/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, ông Cường cho biết kỳ họp này dự kiến xem xét, thông qua các dự thảo luật: Luật Căn cước công dân sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...

Tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội cũng xem xét, thông qua dự thảo một số nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Xem xét Nghị quyết về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước;

Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc của các luật để đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp; Nghị quyết về thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

"Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến các dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật đường bộ sang kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Do đó, đề nghị chưa bổ sung vào chương trình”, ông Cường nói.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp tháng 5 tới rơi vào khoảng giữa nhiệm kỳ, công tác lập pháp rất nặng. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 7 luật và 4 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật, chưa kể nghị quyết chung của kỳ họp.

Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến với 9 dự án luật khác. Như vậy, kỳ họp sẽ thông qua và cho ý kiến 16 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết như luật. Ông Huệ đánh giá công việc này nhiều gấp đôi bình thường.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ. Một số dự án luật sắp được xem xét nhưng tới nay chưa có hồ sơ chính thức của Chính phủ, nên rất khó khăn cho công tác thẩm tra và cho ý kiến.

"Đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ hơn về việc này để có công tác phối hợp, vì có tận dụng thời gian đến mấy thì quỹ thời gian cũng chỉ có hạn, một ngày chỉ có 24 giờ. Nếu gấp quá, thời gian không đảm bảo thì chất lượng sẽ bị hạn chế", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, ông Huệ yêu cầu chương trình kỳ họp ưu tiên bố trí những dự án luật và những dự thảo nghị quyết vào đầu kỳ họp để các cơ quan có thời gian chỉnh lý.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 22 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5, bế mạc ngày 20/6/2023.

Trước đó, ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo nghị quyết, Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP.Thủ Đức.

Hoàng Hà (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán