Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế -xã hội

(Banker.vn) Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung.

Xem xét, thông qua 02 dự án luật, 05 dự thảo Nghị quyết

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV. Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt, chúng ta đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 02 dự án luật, 05 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 05 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác” - ông Vũ Minh Tuấn thông tin.

Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, những dự án Luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 03 năm 2022-2024.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam). Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…

Đáng chú ý, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Thông tin về báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 /2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông Đặng Thuần Phong- Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho biết đang thực hiện thẩm tra báo cáo này để hoàn thiện, trình Quốc hội trong kỳ họp tới. “Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mang lại hiệu quả. Với một số nội dung khác luật, chưa được quy định, Chính phủ chủ động khẩn trương kịp thời ban hành trên 100 văn bản”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết.

Ông Đặng Thuần Phong- Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại họp báo

Ông Đặng Thuần Phong thông tin thêm, đến nay Chính phủ và các bộ ngành chưa có rà soát đầy đủ các văn bản về phòng chống dịch, chưa đề xuất sửa đổi kịp thời các quy định liên quan trong các luật để đưa vào chương trình luật.

Văn bản hướng dẫn trả lời bộ ngành trung ương giải quyết vướng mắc địa phương còn chậm, chưa kịp thời nên khiến nhiều nơi cách hiểu chưa thống nhất, cách làm khác nhau. Đặc biệt, còn tình trạng các địa phương ban hành văn bản còn sai sót, chưa rà soát kỹ lưỡng, nên phải thu hồi văn bản. Dẫn chứng như quy định dán niêm phong không cho mở cửa xe khi đi qua địa phương là không phù hợp với quy định về quyền con người.

Bên cạnh đó đó, ông Phong cho rằng tới đây Chính phủ phải có giải pháp và chiến lược về phòng chống dịch phù hợp tình hình mới, những gì còn bất cập phải tổng kết đánh giá để ban hành các quy định cho phù hợp thực tiễn.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, vừa qua tình hình dịch Covid-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của nước ta. Dịch bệnh không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đến đời sống mà còn phải chi nhiều ngân sách cho công tác phòng chống dịch, như chi phí mua kít xét nghiệm, mua vaccine phòng Covid-19, thiết bị y tế, chi cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Trong bối cảnh hiện nay khi bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt hại kinh tế lớn, tăng trưởng khoảng trên 3% thì "nguồn lực để đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội và chăm lo cho người dân cần thiết hơn”- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết hiện đã chuẩn bị kỹ các giải pháp để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Trong đó triển khai các nhiệm vụ cơ cấu thu, chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để cải cách tiền lương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong sử dụng ngân sách nhà nước; quyết liệt thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng về kinh tế; tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiết kiệm trên 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm…

Tuy nhiên, hiện những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương chưa đạt yêu cầu. Sắp tới, lộ trình tăng lương cần căn cứ theo mức lương cơ bản, mức sống tối thiểu, trong điều kiện ngân sách và nguồn lực cho phép.

Lan Anh - Quỳnh Nga

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương