Quảng Ninh: Xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên núi Bài Thơ xong trước ngày 10/6

(Banker.vn) UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đang khẩn trương triển khai các phương án khắc phục, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên núi Bài Thơ.
Tỉnh Quảng Ninh: Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp Tỉnh Quảng Ninh: Đề nghị truy tố đối tượng dùng súng bắn người yêu

Mới đây, một số điểm trên núi Bài Thơ (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) ở khu vực mái che bài thơ cổ (phía đường ven biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long) đã xuất hiện sạt lở đá, đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra tình trạng này. Rất may, trong những lần đá rơi không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân và khách du lịch tham quan, vãn cảnh tại khu vực này.

Vị trí sạt lở nằm ở lưng chừng núi. Đây là nơi du khách và người dân thường ghé thăm bởi có bài thơ của vua Lê Thánh Tông được vua cho khắc trên vách núi vào mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9, tức tháng 2/1468. Đây cũng là nơi có bài thơ được chúa Trịnh Cương cho khắc trên vách núi vào năm 1729 cùng nhiều bài thơ của các tao nhân mặc khách khác, lại nằm bên con đường ven biển đẹp nhất Hạ Long.

Khu vực mái che bài thơ cổ thuộc Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ được phủ phim bao che toàn bộ
Khu vực mái che bài thơ cổ thuộc Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ được phủ phim bao che toàn bộ

Theo lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long): Ngay khi xuất hiện hiện tượng sạt lở đá, UBND phường Bạch Đằng đã báo cáo UBND TP Hạ Long và phối hợp với các đơn vị chức năng ghi nhận hiện trạng để có biện pháp giải quyết. Ngày 9/5, UBND TP Hạ Long đã quyết định tạm đóng cửa khu vực mái che bài thơ cổ để lên phương án thi công và ngày 26/5. Thành phố cũng đã có thông báo tổ chức tạm phân luồng giao thông đoạn đường ven biển đi qua khu vực này để tiến hành khắc phục tình trạng đá rơi trên núi.

Vị trí sạt lở nằm ở lưng chừng núi Bài Thơ.
Vị trí sạt lở nằm ở lưng chừng núi Bài Thơ.

Để xử lý tình trạng đá rơi, ngày 26/5, đơn vị thi công đã lắp đặt giàn giáo, dùng ván phủ phim bao che toàn bộ phía trên mái che Bài thơ cổ, đồng thời, bố trí nhân lực và cần cẩu chuyên dụng có khả năng vươn cao hơn 60m để tiến hành tháo gỡ, đưa tất cả những viên đá mồ côi và đất cát xuống mặt đất. Việc thi công được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công để không làm ảnh hưởng đến kết cấu của di tích.

Khảo sát thực tế của đơn vị thi công cho thấy, đây là một khe nước hở, có đất xen lẫn cát và một số viên đá mồ côi, trong đó có một tảng đá lớn với chiều dài 4m, cao 1,2m và rộng 1,2m đã mục chân, đang nằm kê trên phần đá non và đất đã sạt lở trước đó.

Đơn vị thi công dùng cần cẩu chuyên dụng để tiến hành tháo gỡ, đưa tất cả những viên đá có nguy cơ rơi xuống mặt đất
Đơn vị thi công dùng cần cẩu chuyên dụng để tiến hành tháo gỡ, đưa tất cả những viên đá có nguy cơ rơi xuống mặt đất

Hiện, đơn vị thi công đã vận chuyển được khoảng 30% khối lượng đất đá xuống. Sau khi tiến hành bóc tách hết đất đá, đơn vị sẽ dùng lưới B40 và phun bê tông để ngăn việc đất đá rơi trong thời gian tới.

Dự kiến việc xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở sẽ xong trước ngày 10/6/2023.

Tiến Dũng

Theo: Báo Công Thương