Quảng Ninh: Thu hút FDI tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế

(Banker.vn) Quảng Ninh đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI với hơn 3,1 tỷ USD, khoảng 73.000 tỷ đồng; tiềm năng trở thành “thủ phủ” mới của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Quảng Ninh: Thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài Quảng Ninh: Thu hút vốn đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực Quảng Ninh: Thu hút vốn đầu tư chạm mốc 5 tỷ USD

Những con số biết nói

Thống kê từ Ban Quản lý Khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đạt 114.329,06 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn FDI đạt 3.102,8 triệu USD, tương đương 72.910,5 tỷ đồng, bằng 258,6% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cấp Giấy CNĐKĐT/Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 23 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI đạt vốn đầu tư tăng thêm 5 triệu USD.

Đối với các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo…có 3 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD.

Ảnh minh họa
Quảng Ninh đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Ảnh minh họa

Đến hiện tại đã có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Quảng Ninh trong 8 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu cả về số dự án cấp mới, thu hút 4 dự án có tổng vốn đầu tư 271 triệu USD; Đài Loan (170 triệu USD, chiếm 22,5%), Thụy Điển (154 triệu USD, chiếm 20,4%). Chưa kể đến các nhà đầu tư truyền thống như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…

Tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế đạt 729,85 triệu USD, chiếm 96,7% tổng vốn FDI thu hút trên địa bàn, điển hình khu kinh tế ven biển thị xã Quảng Yên cơ quan chức năng vừa cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy hoá dầu Stavian với tổng vốn đầu tư 36.034,94 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 164 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,57 tỷ USD.

Trong đó, có 104 dự án thực hiện tại địa bàn các Khu công nghiệp, Khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,34 tỷ USD, 60 dự án thực hiện ngoài Khu công nghiệp, Khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,23 tỷ USD. Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu với 49 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 3,81 tỷ USD, Nhật Bản trên 2,34 tỷ USD, Hoa Kỳ gần 2,31 tỷ USD.

Những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI là thành quả của một quá trình thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong việc đổi mới đầu tư. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thu hút đầu tư.

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023" xác định rõ mục tiêu tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư FDI đạt trên 1 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các nút thắt của nhà đầu tư; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp…

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.

Ảnh minh họa
Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới. Ảnh Đ.L

Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1279/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch. Với định hướng hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch, xây dựng 6 đề án trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho sự phát triển, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn được xác định rõ trong kế hoạch, Quảng Ninh đã và đang phát huy hơn nữa các lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn FDI.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn. Đây là địa phương được quy hoạch nhiều Khu công nghiệp, Khu kinh tế nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9700 ha quỹ đất sạch. Do đó, trong thời gian tới Quảng Ninh được đánh giá sẽ tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, có tiềm năng trở thành một “thủ phủ” mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Để phát huy hết tiềm năng, từ nay đến hết năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư.

Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời, tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, tìm các giải pháp giữ chân người lao động hiện đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh…

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương