Quảng Ninh: Hôm nay xét xử cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận hối lộ 14 tỷ đồng

(Banker.vn) Hôm nay, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh Vũ Liên Oanh cùng 16 đồng phạm ra xét xử
Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh bị đề nghị truy tố Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh bị đề nghị truy tố
Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nghỉ hưu vẫn nhận tiền Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nghỉ hưu vẫn nhận tiền "cảm ơn"
Truy tố Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh vì nhận hối lộ  14 tỷ đồng dưới hình thức quà biếu Truy tố Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh vì nhận hối lộ 14 tỷ đồng dưới hình thức quà biếu

Hôm nay, sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày từ 10 -12/10/2023, Thẩm phán Tạ Duy Ước là chủ tọa phiên tòa; 4 kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.

Quảng Ninh: Hôm nay xét xử cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhận hối lộ 14 tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can Vũ Liên Oanh cùng 16 bị can khác trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ xảy ra ở Sở GD-ĐT Quảng Ninh

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố bà Vũ Liên Oanh (cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài 17 bị cáo trong vụ án hầu tòa, Hội đồng xét xử còn triệu tập đến phiên tòa nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến vụ án này như: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Công ty NSJ Group, Công ty định giá AIC…

Cùng bị truy tố về tội danh trên còn có các bị cáo: Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch HĐQT Công ty NSJ), Trần Ngọc Thắng (Tổng Giám đốc Công ty MQF), Trần Thị Thanh Xuân (Tổng Giám đốc Công ty MQF), Ngô Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc Công ty MQF), Lê Long Hải (Giám đốc quan hệ khách hàng Khu vực 3, Công ty NSJ), Lê Đại Tấn (nhân viên quan hệ khách hàng Khu vực 3, Công ty NSJ), Phạm Việt Anh (Phó trưởng Phòng dự án, Công ty MQF), Hoàng Thị Minh Tâm (nhân viên Phòng dự án Công ty MQF), Vũ Ngọc Minh (Giám đốc Công ty Gia Lộc), Hà Thị Thu Huyền (Thẩm định viên Công ty Gia Lộc), Phạm Đức Chính (nhân viên thẩm định Công ty Gia Lộc).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty NSJ) có mối quan hệ quen biết Vũ Liên Oanh, khi đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh. Đầu năm 2016, khi biết được có chủ trương đầu tư trang thiết bị giáo dục và do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, Nga đến gặp Oanh trao đổi để các công ty trong nhóm NSJ Group trúng các gói thầu theo giá mà Nga ấn định trước. Oanh đồng ý và giới thiệu Nga gặp Ngô Vui (cựu Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) cùng các nhân viên cấp dưới. Oanh còn chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Nga thực hiện các thủ tục lập, triển khai dự án, tổ chức đấu thầu.

Sau đó, Vui đã giao cho Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh (cùng là Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) trực tiếp liên hệ, làm việc với Nga và nhóm nhân viên Công ty NSJ.

Nga giao cho nhân viên Ban quan hệ khách hàng, Phòng dự án và Phòng sản phẩm Công ty NSJ là Lê Long Hải, Lê Đại Tấn, Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Nguyễn Viết Hồng… phối hợp với Vui, Long và Hạnh để triển khai thực hiện các gói thầu, lập hồ sơ cho “quân xanh”, “quân đỏ” thực hiện.

Nga còn chỉ đạo Ban hàng hoá thuộc Công ty NSJ liên hệ với các hãng sản xuất và công ty trung gian để mua hàng hóa thiết bị qua các công ty trung gian, từ đó nâng giá các thiết bị giáo dục trước khi nhập khẩu về Việt Nam.

Mức giá nâng lên cao hơn nhiều lần so với giá bán mà các hãng sản xuất báo giá để bán trực tiếp cho Công ty NSJ, Công ty MQF, gần bằng với mức giá trúng thầu và gọi là hợp đồng nối, đẩy giá.

Để tránh bị phát hiện việc Công ty NSJ vừa là đơn vị tư vấn lập dự án, vừa tham gia đấu thầu, Nga và Oanh đã bàn và thống nhất, chỉ định Công ty VNNew làm tư vấn lập dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi hợp thức hồ sơ thầu cả 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục.

Công ty AIC và Công ty Gia Lộc được chỉ định là đơn vị thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá do Nga ấn định trước. Những việc làm này nhằm đảm bảo để Công ty NSJ và các Liên danh NSJ - Toàn Thịnh trúng qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Mặc dù nhóm Công ty NSJ trúng 6 gói thầu, nhưng do không thu thập được tài liệu xác định giá gốc của từng năm nên cơ quan điều tra chỉ xác định được, thiệt hại của Nhà nước trong 2 gói thầu thuộc các dự án bổ sung thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, trường tiểu học trong năm 2019 là 80 tỷ đồng.

Viện kiểm sát xác định, các bị can lợi dụng chức vụ, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận bằng cách cố ý làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Hành vi của các bị can dẫn đến sự không minh bạch trong đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Với hành vi trên, nhóm bị cáo ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh gồm: Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long, Phạm Thị Hạnh và nhóm bị cáo ở Công ty NSJ gồm: Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Thị Thanh Xuân, Ngô Mạnh Hùng và các nhân viên khác cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi trúng thầu, Hoàng Thị Thúy Nga đã trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa hối lộ cho Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, Vũ Liên Oanh nhận 14 tỷ đồng, Ngô Vui nhận 14,8 tỷ đồng, Hà Huy Long nhận 1,36 tỷ đồng.

Hành vi nhận tiền của ba bị cáo Oanh, Vui và Long tuy không có sự bàn bạc từ trước, nhưng cơ quan tố tụng xác định, việc nhận tiền lặp đi lặp lại nhiều lần sau mỗi lần các bị can thông đồng, tạo điều kiện cho Nga và Công ty NSJ trúng thầu trái quy định. Vì thế, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 3 bị cáo Oanh, Vui và Long thêm tội “Nhận hối lộ”; truy tố bị cáo Nga thêm tội “Đưa hối lộ”. Theo quy định của pháp luật, với hành vi nhận hối lộ số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, các bị cáo sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Ngô Vui (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh), Hà Huy Long (cựu Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh), Phạm Thị Hạnh (cựu Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương