Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội

(Banker.vn) Nhằm bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tỉnh Quảng Nam xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Quảng Nam: Phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn Quảng Nam: Nhà trường “bắt tay” với doanh nghiệp đưa sinh viên sang Nhật làm việc

Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tỉnh Quảng Nam đã có những đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi về công tác này với Báo Công Thương.

Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội
BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức ra quân tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh: Thanh Dũng

Sau đại dịch Covid-19, xin ông cho biết, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được quan tâm, triển khai như thế nào?

Trong những năm gần đây, Quảng Nam đang trên đà phát triển, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đến thành lập doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngành may mặc, giày da, dịch vụ… vì vậy, các doanh nghiệp giảm lao động số lượng lớn.

Trước bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh và các cấp, các ngành luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, BHXH tỉnh có 9 phòng nghiệp vụ và 17 BHXH cấp huyện với 315 biên chế, trong đó có 109 công chức, viên chức, người lao động ở Văn phòng BHXH tỉnh và 206 viên chức, người lao động tại BHXH cấp huyện; Đảng ủy BHXH tỉnh có 9 Chi bộ trực thuộc, có Công đoàn cơ sở, Chi đoàn thanh niên, Ban Chỉ huy quân sự và Tiểu đội tự vệ. Trong những năm qua, BHXH tỉnh luôn đoàn kết, phấn đấu thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHTN đối với người lao động theo nhiệm vụ giao.

Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Dũng

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch BHXH Việt Nam giao, BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch về số người tham gia BHXH, BHTN cho các địa phương nhằm phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Được sự Lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, trong những năm qua, BHXH tỉnh Quảng Nam đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHTN cho người lao động. Tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đồng thời tham mưu triển khai Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Để góp phần thành công trong thực hiện chính sách, công tác tuyên truyền đã được BHXH tỉnh tổ chức thực hiện ra sao, thưa ông?

BHXH tỉnh Quảng Nam xác định công tác thông tin, truyền thông có vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHXH tỉnh đã tập trung nguồn lực, kinh phí đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, hàng năm, BHXH tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT để triển khai trong toàn ngành theo tinh thần Quyết định 1676/QĐ-TTg. Chủ động phối hợp các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai các hoạt động truyền thông tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, tập trung vào chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách BHXH, BHYT; vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT và quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng theo quy định của pháp luật.

BHXH tỉnh đã cùng với Sở Lao động, Thương binh-Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 8099/KH-UBND ngày 05/12/2022 về triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, BHXH tỉnh thường xuyên chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan để tham mưu cấp ủy, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quyết định 1676/QĐ-TTg tại địa phương.

Hầu hết các BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn huyện, ký quy chế phối hợp triển khai thực hiện với UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan đài truyền thanh cấp huyện. Tính chủ động tham mưu của các địa phương xã, phường, thị trấn và BHXH huyện, thị xã, thành phố thể hiện khá rõ nét và điển hình như: BHXH thị xã Điện Bàn, BHXH huyện Tiên Phước, …

Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội
Tuyên truyền BHXH tự nguyện thông qua “Bài chòi” tại cơ sở. Ảnh: Thanh Dũng

Từ chủ trương đó, ông có thể chia sẻ rõ hơn các chương trình, mô hình tuyên truyền điển hình của địa phương?

Hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp các tổ chức dịch vụ thu tổ chức truyền thông cao điểm nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân” (tháng 5), Ngày BHYT Việt Nam (01/07) bằng các hình thức: Tổ chức lễ ra quân, tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng… phạm vi toàn tỉnh. Về hình thức tuyên truyền, BHXH tỉnh đã từng bước đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, áp dụng các hình thức truyền thông mới, truyền thông số, truyền thông đa phương tiện.

Một số hình thức đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh: Nhạc chờ trên điện thoại tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho toàn bộ công chức viên chức, người lao động, nhân viên thu BHXH, BHYT. Tuyên truyền BHXH tự nguyện thông qua “Bài chòi” tại cơ sở: Thực hiện 20 cuộc tại các xã trên địa bàn tỉnh; ghi âm ghi hình phát lại trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn;

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện; VssID thông qua các buổi chiếu phim lưu động tại cơ sở. Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua phát thanh tại các nơi công cộng, nơi tập trung đông người: Chợ Tam Kỳ, bãi biển Tam Thanh; Thực hiện chương trình Poscast tuyên truyền chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên Báo điện tử.

Điểm sáng tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các thôn, khối phố tại 39 thôn, khối phố thí điểm tại 13 huyện; Áp phích tuyên truyền chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên phương tiện vận tải công cộng; “Thư ngỏ” hạn chế tình trạng BHXH một lần.

Với snỗ lực đổi mới, đa dạng hoạt động tuyên truyền chính sách, hiệu quả mang lại đối với phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn 2020-2023, công tác tuyên truyền tiếp tục được tập trung nguồn lực, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng vùng miền và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo tinh thần Quyết định 1676/QĐ-TTg. BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan; tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí từ địa phương đến Trung ương để đẩy mạnh công tác truyền thông.

Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội
Điểm sáng tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các thôn, khối phố. Ảnh: Thanh Dũng

Với những hoạt động truyền thông đã thực hiện theo tinh thần Quyết định 1676/QĐ-TTg, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc các các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, từ tỉnh đến huyện cùng với ngành BHXH tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách BHXH, BHTN. Đã phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN.

Mặc dù tình hình kinh tế cả nước nói chung, sau dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn nhưng số tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN trên địa bàn đều tăng qua các năm (năm 2021 có 6.186 đơn vị với 180.681 lao động; năm 2022 có 6.320 đơn vị với 185.283 lao động và năm 2023 có 6.842 đơn vị ước khoảng hơn 194.250 lao động). Trong đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN cho người lao động.

Đặc biệt, việc sáng tạo hình thức tuyên truyền “Nhạc chờ tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện” đã được người dân đánh giá cao xem như “thương hiệu” và tin tưởng hơn khi tuyên truyền; “Bài chòi BHXH tự nguyện” đã thu hút khoảng 300-500 người xem mỗi buổi, đặc biệt có buổi thu hút gần cả ngàn người dân như tại Hội An, Núi Thành, Tiên Phước.

Sau mỗi buổi tuyên truyền, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân và lãnh đạo địa phương. Từ đó tăng thêm sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với ngành BHXH và lan tỏa rộng hơn chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, người lao động tự do ở các vùng nông thôn.

Cùng với các hình thức tuyên truyền đa dạng như đã nêu, công tác tuyên truyền đã góp phần chung vào công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Số liệu tăng mới năm 2020 là 13.443 người; năm 2021 là 10.627 người và năm 2022 với gần 7.000 người tăng mới.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương