Quãng đường 15 năm Samsung tại ngôi nhà thứ hai Việt Nam: Góp 20% kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh - Thái Nguyên thành 'cứ điểm' sản xuất thế giới

(Banker.vn) Từ nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên ở Bắc Ninh, sau 15 năm đặt chân vào thị trường Việt Nam, Samsung đã xây dựng, vận hành thêm 5 nhà máy khác, cùng với 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Ước tính, giá trị đầu tư lũy kế tính đến cuối năm 2022 của Samsung tại Việt Nam là 20 tỷ USD.
Quãng đường 15 năm Samsung tại ngôi nhà thứ hai Việt Nam: Góp 20% kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh - Thái Nguyên thành 'cứ điểm' sản xuất thế giới
Ước tính trên 50% điện thoại của Samsung đang được bán trên toàn thế giới là những sản phẩm "Made in Vietnam", được sản xuất trực tiếp tại chính Việt Nam.

Quãng đường 15 năm ở Việt Nam - ngôi nhà thứ hai của Samsung

Samsung chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 2008, bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động ở tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, Samsung liên tục có hoạt động đầu tư khác tại các tỉnh, thành phố lớn như Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM... Đến nay, "ông lớn" công nghệ đến từ Hàn Quốc đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Giá trị đầu tư lũy kế tính đến cuối năm 2022 của Samsung là 20 tỷ USD. Trải qua hơn 1 thập kỷ, Việt Nam đã trở thành đầu mối sản xuất vô cùng quan trọng của Samsung, ước tính trên 50% điện thoại của hãng đang được bán trên toàn thế giới là những sản phẩm "Made in Vietnam", được sản xuất trực tiếp tại chính Việt Nam.

Việc Samsung chọn Việt Nam làm "cứ điểm" nằm trong một chiến lược phát triển đầy táo bạo của doanh nghiệp thời kỳ đó. Trước khi "bén duyên" với Việt Nam, Trung Quốc mới được xem là "thủ phủ" sản xuất của hãng điện thoại quốc dân này, sở hữu nhiều điều kiện lý tưởng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Chẳng hạn xét về địa lý, Seoul gần với Trung Quốc hơn Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc được ví như "công xưởng" lớn nhất thế giới, với khả năng sản xuất số một toàn cầu, và hiện vẫn chưa có quốc gia nào có thể soán ngôi Trung Quốc trên bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, Samsung không muốn "bỏ tất cả trứng vào một giỏ", khác với các đối thủ cạnh tranh khác, Samsung luôn muốn sở hữu và tự vận hành nhà máy của chính mình. Điều này có nghĩa là Samsung có thể giải quyết bài toán chi phí, rủi ro phức tạp của việc nâng cao kỹ năng và tự động hóa khi công ty mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đây là quá trình tốn nhiều thời gian, cần một sự kiên nhẫn cùng với nỗ lực rất lớn.

Đổi lại, Việt Nam cũng đem đến cho Samsung những lợi ích kinh tế to lớn, đơn cử như chi phí lao động của chúng ta thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, trong khi khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp linh kiện cũng "đáng gờm". Ngoài ra, các nhà máy ở đây cũng có thể được giám sát tương đối dễ dàng từ trụ sở chính tại Hàn Quốc.

Những yếu tố trên đã góp phần giúp Samsung tự tin đa dạng hóa sản xuất, tách ra khỏi Trung Quốc.

Đó là chưa kể, Việt Nam đang bước vào giai đoạn khẳng định vị trí trên trường quốc tế, dần chuyển mình thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Trong 10 năm qua, Việt Nam tham gia ít nhất 7 hiệp định thương mại tự do, khởi đầu là thỏa thuận song phương với Mỹ. Các thỏa thuận này thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc mở rộng mối quan hệ đối tác kinh doanh.

Nền kinh tế của đất nước hình chữ S cũng đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với các khoản đầu tư vào đường bộ, đường sắt và cảng biển. Bên cạnh đó, việc phát triển vào nguồn năng lượng tái tạo ngay khi các thương hiệu toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn về bền vững cũng được Việt Nam tập trung thực hiện, bám sát với những lộ trình chi tiết và cụ thể. Theo Economist, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất năng lượng gió và mặt trời kể từ năm 2019.

Từ những thế mạnh sẵn có, không chỉ có Samsung, Việt Nam cũng sở hữu một vị trí trang trọng trong các chiến lược phát triển toàn cầu của hàng loạt "ông lớn" công nghệ khác như Dell, Google, Microsoft và Foxconn, cũng như các hãng may mặc hàng đầu như Nike, Adidas và North Face.

Quãng đường 15 năm Samsung tại ngôi nhà thứ hai Việt Nam: Góp 20% kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh - Thái Nguyên thành 'cứ điểm' sản xuất thế giới
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam.

Đôi bên cùng chiến thắng

Chia sẻ về quãng đường 15 năm đầu tư tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng cả hai bên đều đã tạo lập cho riêng mình những thành công vang dội, những thành tựu vẻ vang.

Hàng năm, Samsung phụ trách khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm chất lượng tốt cho khoảng 300.000 người lao động một cách trực tiếp và gián tiếp, qua đó góp phần vào cuộc sống sinh hoạt ổn định cho người dân Việt Nam.

Đặc biệt, sau sự góp mặt của Samsung, hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn, trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin và đạt được những bước tiến nhảy vọt trở thành các địa phương top đầu Việt Nam về tổng sản phẩm trên địa bàn.

Cũng sau khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung đã thực hiện đầy đủ những cam kết như tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển đồng thịnh vượng cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, Samsung cũng đã hiện thực hóa cam kết xây dựng trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin công nghệ cao.

"Việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực", ông Choi Joo Ho khẳng định.

Quãng đường 15 năm Samsung tại ngôi nhà thứ hai Việt Nam: Góp 20% kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh - Thái Nguyên thành 'cứ điểm' sản xuất thế giới
Thống kê tổng doanh thu của Samsung Việt Nam giai đoạn 2014-2021.

Bên cạnh đó, ông Choi Joo Ho cũng cho biết, Samsung đang dành cho Việt Nam một khoản ngân sách hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức cao nhất trong số các quốc gia Samsung đầu tư, tương xứng với tầm quan trọng của Việt Nam, thông qua các dự án như đào tạo khoa học công nghệ, nuôi dưỡng nhân tài công nghệ, hỗ trợ học tập cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Quãng đường 15 năm Samsung tại ngôi nhà thứ hai Việt Nam: Góp 20% kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh - Thái Nguyên thành 'cứ điểm' sản xuất thế giới
Tổng lợi nhuận của Samsung Việt Nam giai đoạn 2014-2021.

Ông Choi Joo Ho khẳng định, nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nào cũng tăng cường hơn nữa các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam như Samsung, thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các doanh nghiệp này sẽ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ kinh doanh, mà còn phát triển thành quan hệ đối tác, có thể cùng nhau vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức, đến từ tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Choi Joo Ho cho biết, hiện cuộc cạnh tranh ngôi vị quyền lực Mỹ - Trung, cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine đang dẫn đến lạm phát leo thang, sự sụt giảm trong mậu dịch quốc tế và trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, gây bất ổn cho môi trường kinh doanh.

Mặt khác, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia cũng gây ảnh hưởng cho khoảng 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam.

Theo đó, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn.

"Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng có thể bị đe dọa", ông Choi Joo Ho nói.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư.

Theo ông Choi Joo Ho, từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục, dựa trên những biến đổi của môi trường bên ngoài để triển khai những cải cách phù hợp.

Nhắc lại vấn đề cơ thuế thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho cho biết, các công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam như Deloite, PwC và các chuyên gia kinh tế cũng đang tích cực khuyến nghị Việt Nam áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) và chính sách ưu đãi dựa trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là nhấn mạnh tính cần thiết của việc luật hóa trong năm nay.

"Samsung cũng đồng ý với quan điểm này, chúng tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây", ông nhấn mạnh.

Những chiếc máy tính bảng giá bán "vừa túi", lướt cực mướt nhất hiện nay

Giờ đây, máy tính bảng đã trở thành một công cụ quan trọng, phục vụ cho cả công việc, giải trí và học tập hàng ...

Máy tính bảng được dân tình "khen mãi không chán": Hiệu năng “đỉnh của đỉnh”, giá quá “OK”

Máy tính bảng Samsung Galaxy Tab A7 Lite hướng đến đối tượng người dùng đang tìm cho mình một thiết bị giải trí cơ bản ...

Nokia G22 giảm giá mạnh tay, dư sức 'cân đẹp' loạt điện thoại nhà Samsung

Nokia G22 tiếp tục được các đại lý giảm giá mạnh tay và trở thành một trong những chiếc điện thoại đáng chú ý nhất ...

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán