Quảng Bình: Mô hình mít ruột đỏ kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao

(Banker.vn) Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giống cây ăn trái mít ruột đỏ được bà con nông dân Quảng Bình lựa chọn với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân tộc Bru - Vân Kiều hiến đất, hiến vườn để mở đường cho bản Quảng Bình: 8 tháng đã có hơn 1.600 vụ ly

Mít ruột đỏ, mô hình cây trồng mới

Nhận thấy mô hình mít ruột đỏ Tiền Giang mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại có sức chịu đựng nắng nóng tốt, phù hợp với vùng đất gò đồi ở Quảng Bình, sau một thời gian đưa vào thực hiện việc trồng thử nghiệm, mô hình mít ruột đỏ được nhiều bà con nông dân và hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Bình lựa chọn.

Ông Nguyễn Quý Phương - thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch chia sẻ, nhà ông có 2ha đất vùng gò đồi tại tổ dân phố Hữu Nghị, để tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp, ông Phương đã đi nhiều nơi để tham quan và học hỏi kinh nghiệm, sau đó ông quyết định lựa chọn loại cây mít ruột đỏ để trồng trên diện tích đất của gia đình, hiện tại vườn nhà ông có hơn 400 cây mít ruột đỏ. Sau 3 năm chăm bón, đến nay, cây mít đã cho thu hoạch quả.

"Mặc dù tỷ lệ đậu quả cao nhưng để bảo đảm chất lượng, tôi cắt bỏ, mỗi cây chỉ để lại từ 2-4 quả. Nhờ đó, trọng lượng quả khi thu hoạch đạt 8-12 kg/quả, 20-25 tấn/ha, với giá bán 10 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Vào giai đoạn thu hoạch đại trà (từ 4-10 năm tuổi), cây mít sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn, dự ước từ 30-35 tấn/ha"- ông Phương chia sẻ.

Quảng Bình: Mô hình mít ruột đỏ kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Giống mít ruột đỏ mới được bà con nông dân ở Quảng Bình kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài gia đình ông Phương, nhiều hộ dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém chất lượng, giá trị kinh tế thấp trên vùng đất gò đồi sang trồng mít khi thấy hiệu quả từ cây mít ruột đỏ mang lại

Tại xã Cự Nẫm, mô hình mít ruột đỏ thực hiện ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ tổng hợp Anh Tuấn cũng đã mang lại thành công bước đầu. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, trang trại của ông có 1.500 cây mít ruột đỏ (khoảng 6ha). Mặc dù năm nay mít mới cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng năng suất, sản lượng khá cao. Trung bình mỗi cây mít cho thu hoạch 2 quả, trọng lượng 8-10kg, với giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, lợi nhuận mang lại khoảng 500 triệu đồng/vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung Trần Thị Nguyệt cho biết: “Thị trấn hiện có 7 hộ tham gia thực hiện mô hình mít ruột đỏ, với tổng diện tích 16ha. Cây mít đầu tư ít công hơn so với nhiều loại cây trồng khác, 3 năm đã cho thu hoạch quả và có lãi. Thị trấn đang phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ, định hướng người dân tham gia mô hình mít ruột đỏ trong thời gian tới”.

Định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Theo các hộ nông dân trồng mít ruột đỏ chia sẻ, "Cây mít có đặc tính ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, lại có sức chịu đựng nắng nóng tốt nên rất phù hợp để trồng ở đất Quảng Bình. Vào mùa mưa bão, không phải giai đoạn thu hoạch mít nên người trồng có thể cắt tỉa cành để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, mùa mít chín ở Quảng Bình trái vụ hoàn toàn với thời gian thu hoạch mít ở miền Nam nên có lợi thế tiêu thụ”.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung Trần Thị Nguyệt cho hay: “Theo kế hoạch, thời gian tới địa phương sẽ mở rộng diện tích trồng mít ruột đỏ thêm khoảng 40ha. Nhiều hộ dân trên địa bàn có nguyện vọng được tham gia mô hình, tuy nhiên mong muốn của họ là phải có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định”.

Để mô hình trồng mít ruột đỏ thực sự đạt hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân thì việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất là việc làm vô cùng cần thiết. Nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm, chủ động thị trường tiêu thụ, nhiều hộ trồng mít trên địa bàn huyện Bố Trạch đã quan tâm đến quy trình sản xuất thâm canh, làm ra sản phẩm đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Hiện tại, sản phẩm mít ruột đỏ của một số hộ trồng đang sản xuất theo chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Để bảo đảm đầu ra, các hộ trồng mít đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang. Mít sau khi thu mua tại vườn, sẽ được xử lý, chế biến và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Quảng Bình: Mô hình mít ruột đỏ kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Quý Phương - thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch hiện trồng hơn 400 cây mít ruột đỏ

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: “Bước đầu, mô hình mít ruột đỏ trồng trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất thực thu bình quân cao, được bà con nông dân ủng hộ. Hiện tại, huyện đang tập trung phát triển mô hình mít ruột đỏ ở thị trấn Nông trường Việt Trung để xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương bởi thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với đặc tính của cây mít. Huyện sẽ chỉ đạo mở rộng mô hình theo hướng từ từ, nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, tránh thiệt hại không đáng có; đồng thời, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cũng sẽ được quan tâm triển khai…”.

Từ chuỗi liên kết này, kết nối bao tiêu thêm sản phẩm mít cho 4 hộ dân tại thị trấn Nông trường Việt Trung, trên diện tích khoảng 12ha. Ngoài việc cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm, các hộ trồng mít trong chuỗi còn được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, cắt tỉa cành…

Với sự cam kết của đơn vị cung cấp cây giống, đồng hành cùng người sản xuất từ khâu chuyển giao kỹ thuật, cách chăm sóc tới bao tiêu sản phẩm, người dân sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết sản xuất mô hình mít ruột đỏ vẫn đang ở quy mô nhỏ lẻ, giá cả bao tiêu sản phẩm chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thị trường theo từng thời điểm. Do đó, các hộ tham gia trồng mít vẫn còn lo lắng về thị trường đầu ra.

Thành Long

Theo: Báo Công Thương