Quân sự thế giới hôm nay (23/9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo, UAV tự sát

(Banker.vn) Tin tức cập nhật về tình hình quân sự thế giới ngày 23/9: Iran ra mắt tên lửa đạn đạo UAV tự sát; Hàn Quốc và Mỹ thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng đặc biệt.
Nga tăng cường tập trận tên lửa đạn đạo liên lục địa 'con trai quỷ satan' RS-24 Yars Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/11/2023: Rộ tin tên lửa đạn đạo tấn công Kiev; EU dự báo xung đột kéo dài Chiến sự Israel-Hamas 23/2/2024: Quá trình đàm phán hòa bình có tín hiệu tốt; Israel bắn hạ tên lửa đạn đạo Houthi

Hàn Quốc và Mỹ thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng đặc biệt

Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 8 về Thỏa thuận Chia sẻ chi phí quốc phòng đặc biệt (SMA) tại Seoul từ ngày 25 - 27/9. Đây là một phần trong nỗ lực xác định mức đóng góp của Hàn Quốc đối với chi phí duy trì lực lượng Mỹ tại nước này, bắt đầu từ năm 2026.

Quân sự thế giới hôm nay (23/9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo, UAV tự sát
Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ tám về Thỏa thuận Chia sẻ chi phí quốc phòng Đặc biệt (SMA). Ảnh: AP

Trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc sẽ là ông Lee Tae-woo, đại diện Bộ Ngoại giao, trong khi bà Linda Specht, Cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Cả hai bên sẽ tập trung thu hẹp những bất đồng về các vấn đề quan trọng như quy mô đóng góp và tiêu chí tăng chi phí, nhằm đạt được thỏa thuận trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Tại vòng đàm phán trước đó, hai bên đã ghi nhận nhiều tiến triển. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, nước này mong muốn mức chia sẻ chi phí quốc phòng hợp lý để đảm bảo sự hiện diện ổn định của quân đội Mỹ và củng cố quan hệ phòng thủ chung giữa hai quốc gia.

Phần đóng góp của Hàn Quốc bao gồm chi phí nhân công, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, quản lý đạn dược, hỗ trợ vận chuyển và mua sắm vật liệu. SMA lần thứ 11, ký vào tháng 3/2021 và có hiệu lực đến hết năm 2025, quy định Hàn Quốc sẽ chi trả 1,183 nghìn tỷ Won cho năm 2021, tăng 13,9% so với năm trước. Trong các năm tiếp theo, mức đóng góp này sẽ tiếp tục tăng theo tỷ lệ chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) quan ngại trước tình trạng bạo lực giữa Israel và Hezbollah

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ "vô cùng quan ngại" trước tình trạng leo thang bạo lực giữa Israel và Hezbollah, đồng thời kêu gọi thực thi ngay lập tức một lệnh ngừng bắn, theo The Guardian.

EU nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công ác liệt được ghi nhận tại Israel và Lebanon. Một lệnh ngừng bắn là khẩn cấp, cả ở Đường Xanh và Gaza. Dân thường ở hai bên đều đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề và sẽ tiếp tục chịu đựng trong một cuộc chiến toàn diện cần được ngăn chặn. Các nỗ lực hòa giải ngoại giao cần được đẩy mạnh".

EU cũng tuyên bố rằng hòa bình sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phát biểu về tình hình, ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, cho rằng việc leo thang quân sự không phù hợp với "lợi ích tốt nhất" của Israel. Trên chương trình This Week của ABC, ông Kirby nhận định: "Chúng tôi không tin rằng leo thang quân sự là vì lợi ích của Israel", đồng thời nhấn mạnh khả năng còn lại cho các giải pháp ngoại giao".

Cùng ngày, Phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem tuyên bố lực lượng này đã bước vào "giai đoạn mới" trong cuộc xung đột với Israel, mà ông gọi là "một cuộc chiến không hồi kết".

Phát biểu trong lễ tang một chỉ huy cấp cao của Hezbollah thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào ngoại ô phía Nam Beirut hôm 20/9, ông khẳng định Hezbollah sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống quân sự.

Quân sự thế giới hôm nay (23/9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo, UAV tự sát
Phó thủ lĩnh Hezbollah tại Lebanon Sheikh Naim Qassem. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Israel đã tăng cường các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là tại các bệnh viện ở miền Bắc. Bệnh viện Rambam tại Haifa đã chuyển bệnh nhân xuống các cơ sở an toàn dưới lòng đất, trong khi Trung tâm Y tế Tzafon cũng điều chỉnh hoạt động để bảo vệ an toàn cho bệnh nhân và nhân viên trong bối cảnh xung đột leo thang. Tiến sĩ Noam Yehudai từ Trung tâm Y tế Tzafon cho biết, đã hủy bỏ các ca phẫu thuật không khẩn cấp và cho xuất viện những bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Iran ra mắt tên lửa đạn đạo Jihad

Hãng thông tấn quốc gia Iran (IRNA) đưa tin, trong lễ diễu binh tại Tehran ngày 21/9, Iran đã ra mắt hai loại vũ khí mới. Sự kiện này không nhằm phản ứng trước các xung đột leo thang ở Trung Đông, nằm trong khuôn khổ "Tuần lễ Quốc phòng Thiêng liêng", tưởng niệm những người Iran hy sinh trong cuộc chiến Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988.

Quân sự thế giới hôm nay (23/9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo, UAV tự sát
Tên lửa đạn đạo Jihad trong lễ diễu binh ở Tehran, Iran ngày 21/9. Ảnh: AFP

Theo truyền thông Iran, một trong hai vũ khí mới là tên lửa đạn đạo Jihad, sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn khoảng 1.000km, được phát triển bởi lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về tính năng của loại tên lửa này vẫn chưa được công bố. Đây là một trong số 21 mẫu tên lửa đạn đạo được Iran phô diễn trong buổi lễ.

Ngoài ra, Iran cũng giới thiệu máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed-136B, phiên bản nâng cấp của dòng Shahed-136, với tầm bay mở rộng từ 2.500 km lên hơn 4.000 km, cùng nhiều tính năng cải tiến.

Phát biểu tại lễ diễu binh, Tổng thống Masoud Pezeshkian khẳng định: "Năng lực phòng thủ và răn đe của chúng ta đã phát triển đến mức không thế lực nào dám gây hấn với Iran".

Iran hiện sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất khu vực Trung Đông với hơn 3.000 quả, theo ước tính của các quan chức Mỹ. Tehran cũng đạt được những bước tiến lớn trong việc phát triển các dòng UAV tầm xa và tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Shahed-136 là dòng UAV tự sát giá rẻ do Iran sản xuất, mang theo đầu đạn nổ mảnh nặng từ 30 đến 50 kg. Đây là vũ khí được Nga sử dụng trong các cuộc tấn công vào hạ tầng tại Ukraine.

Dù Iran khẳng định không cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine, Tehran thừa nhận đã chuyển giao khí tài cho Moskva trước khi cuộc chiến nổ ra.

Phía Nga tuyên bố các UAV tự sát được triển khai tại Ukraine là mẫu Geran-2, phiên bản nội địa phát triển dựa trên Shahed-136.

Indonesia ký hợp đồng mua 4 trực thăng Airbus H145

Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký kết hợp đồng mua 4 trực thăng Airbus H145, nhằm phục vụ chương trình hiện đại hóa lực lượng huấn luyện. Theo thỏa thuận giữa Không quân Indonesia và PT Dirgantara Indonesia (PTDI), các trực thăng này sẽ được Airbus bàn giao cho PTDI để lắp ráp, hoàn thiện tại Bandung trước khi chuyển giao cho Không quân Indonesia.

Quân sự thế giới hôm nay (23/9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo, UAV tự sát
Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký kết hợp đồng mua 4 trực thăng Airbus H145. Ảnh: Airbus

H145 là dòng trực thăng đa nhiệm, dự kiến được triển khai cho các nhiệm vụ huấn luyện quân sự và tìm kiếm cứu nạn hạng nhẹ.

Ông Vincent Dubrule, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Airbus Helicopters, cho biết: “Với tính linh hoạt cao, H145 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả huấn luyện phi công quân sự và hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi kỳ vọng vào sự hợp tác với PTDI để hỗ trợ đội bay Indonesia".

Phiên bản H145 mới nhất được trang bị 5 cánh quạt, giúp tăng tải trọng thêm 150 kg, đồng thời giảm thiểu bảo trì và tăng độ tin cậy. Máy bay cũng được cải tiến để nâng cao sự thoải mái cho phi hành đoàn và hành khách.

Hiện có hơn 1.700 trực thăng H145 hoạt động trên toàn thế giới, tích lũy tổng cộng hơn 7,9 triệu giờ bay. Dòng trực thăng này đã được sử dụng trong các lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và sắp tới là Đức.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục