Quản lý thị trường Quảng Bình thu nộp ngân sách gần 1,7 tỷ đồng trong cao điểm Tết

(Banker.vn) Trong đợt cao điểm Tết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra, phát hiện 82 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 1,7 tỷ đồng.
Quảng Bình: Xử lý 33 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 1,5 tỷ đồng Quảng Bình: Tháng 2, chỉ số công nghiệp giảm, thương mại tăng Quảng Bình: FLC đứng đầu danh sách nợ thuế

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,8 tỷ đồng

Thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một cách quyết liệt và đạt được kết quả cao trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở cả trên khâu lưu thông và trên thị trường nội địa.

Quản lý thị trường Quảng Bình thu nộp ngân sách gần 1,7 tỷ đồng trong cao điểm Tết
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra, phát hiện 82 vụ việc vi phạm, đã xử lý 80 vụ việc với 90 hành vi vi phạm và có 2 vụ đang trong quá trình xử lý.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Vi phạm về hàng nhập lậu; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung ở các nhóm hàng: áo quần, giày dép; mỹ phẩm; thực phẩm các loại; thuốc lá; đường cát; xe đạp, hàng gia dụng; phụ tùng, linh kiện; máy móc đã qua sử dụng…

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính; tiền bán hàng tịch thu; giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tịch thu; giá trị tang vật tịch thu tiêu hủy; buộc tiêu hủy; giá trị tang vật đang bị tạm giữ hơn 6,8 tỷ đồng.

Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trong đợt triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm gần 1,7 tỷ đồng (tăng 104% so với Kế hoạch cao điểm năm 2023).

Song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, trong thời gian thực hiện Kế hoạch cao điểm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đẩy mạnh thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Các hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực (lồng ghép công tác tuyên truyền với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; thực hiện ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát tờ rơi,...). Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, đơn vị đã chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố trong việc cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp tích cực với lực lượng công an trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên khâu lưu thông; phối hợp tốt các cơ quan báo, đài và các cơ quan thông tấn báo chí khác đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đợt cao điểm.

Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, tháng 2/2024 đúng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Thời điểm sát Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra sôi động, nhộn nhịp, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng cao và đây cũng là thời điểm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời điểm cuối năm 2023, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nhằm góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của người dân.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm giữ ổn định thị trường, nhất là hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: thương mại điện tử, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng; thuốc lá; rượu, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm các loại,…và các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp lễ hội đầu năm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương