Theo Bộ Tài chính, pháp luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải luôn duy trì biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp. Khi biên khả năng thanh toán thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu, doanh nghiệp bảo hiểm bị coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán và buộc phải áp dụng các biện pháp khôi phục. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không thể khôi phục khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận, Bộ Tài chính sẽ thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm (vốn chủ sở hữu có điều chỉnh chiết khấu theo rủi ro thanh khoản của một số tài sản). Biên khả năng thanh toán tối thiểu căn cứ theo rủi ro lãi suất và rủi ro bảo hiểm, được xác định là tỷ lệ của dự phòng nghiệp vụ, tỷ lệ số tiền bảo hiểm chịu rủi ro đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; tỷ lệ của phí bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đồng thời cũng đã tính đến một số rủi ro liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất.
Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát đảm bảo an toàn thông qua chỉ tiêu biên khả năng thanh toán sẽ có sự thay đổi theo Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Dự thảo áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro trong đó tỷ lệ an toàn vốn được xây dựng làm nền tảng cho việc chuyển đổi mô hình này. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đáp ứng đồng thời việc trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ theo quy định pháp luật và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tương ứng từng mức tỷ lệ an toàn vốn “báo động”, cơ quan quản lý áp dụng 3 biện pháp gồm cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát, thay vì chỉ có thể can thiệp khi doanh nghiệp đã có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro . Chẳng hạn như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và đượcđánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư,bổ sung quy định đầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.
Nhận định về tác động của Dự thảo Luật sửa đổi, Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng dự thảo sửa đổi luật này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Tuy nhiên, những thay đổi đối về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). Do đó, những quy định này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.
Theo chuyên gia phân tích từ SSI cho rằng, mức vốn yêu cầu được tính toán hiện nay dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm (với công ty bảo hiểm nhân thọ) và doanh thu phí bảo hiểm (với công ty bảo hiểm phi nhân thọ) đều không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Nếu áp dụng mô hình trên, mức vốn yêu cầu được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn, tổng vốn của doanh nghiệp có thể ghi nhận một số thay đổi khi định giá tài sản sẽ được tính theo giá trị thị trường, thay vì giá trị sổ sách. Công ty bảo hiểm đang ghi nhận bất động sản (trụ sở chính, hệ thống chi nhánh...) theo giá trị sổ sách. Trong khi đó, giá trị thị trường của những tài sản này có thể đã thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Nhìn chung, mô hình quản lý vốn mới sẽ có tác động đến các công ty bảo hiểm nhưng để đánh giác cụ thể, sẽ phải chờ các văn bản dưới luật.
Về điều khoản chuyển tiếp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ, dự thảo quy định sau 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải áp dụng các quy định về vốn, khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về chủ đầu tư, thành viên góp vốn; cơ cấu tổ chức bộ máy; mạng lưới hoạt động; các mục tiêu, chính sách đánh giá mức độ đủ vốn; vốn thực có và tỷ lệ an toàn vốn; các thay đổi về vốn liên quan đến từng loại rủi ro...
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|