Quản lý hệ thống tài chính, tiền tệ bằng 'SupTech, RegTech'

(Banker.vn) RegTech, SupTech có tiềm năng tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và thực thi chế tài của cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ, tăng cường tính ổn định của thị trường tài chính,… Tuy nhiên cũng có thể đối mặt một số thách thức, rủi ro về nguồn nhân lực; kiến thức công nghệ...

Ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Enterprise Ireland (EI) – Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư, thuộc Bộ Doanh nghiệp, Thương mại và Đổi mới Ireland tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến với chủ đề “Kinh nghiệm triển khai RegTech, SupTech và các khuyến nghị đối với Việt Nam”.

Tham dự tọa đàm có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Đại sứ Ireland tại Việt Nam ngài John McCullagh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, các đại diện đến từ EI, các nhà khoa học ...

Phát biểu khai mạc tọa đàm Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây cú sốc lớn với nền kinh tế và hệ thống tài chính các quốc gia nhưng mặt khác đại dịch tạo ra động lực thúc đẩy xu hướng đổi mới, áp dụng công nghệ nêu trên. Các quá trình số hóa, chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng công nghệ vào các mặt hoạt động cụ thể làm thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của các cơ quan quản lý, giám sát, các NHTW, các tổ chức tài chính.

Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), có thể hiểu tổng quát, việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, có tính sáng tạo, đột phá như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để giúp các cơ quan quản lý, giám sát cải thiện khả năng giám sát - được gọi là “SupTech” và việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến này của các tổ chức tài chính để đáp ứng quy định tuân thủ và đạt được các mục tiêu quản lý - được gọi là “RegTech”.

Theo BIS và Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB), SupTech và RegTech có thể mang lại những lợi ích quan trọng đối với các cơ quan quản lý giám sát, các tổ chức tài chính và sự ổn định hệ thống tài chính. Đối với các cơ quan quản lý, giám sát, sử dụng SupTech có thể giúp cải thiện khả năng theo dõi, phân tích rủi ro trên phạm vi rộng hơn, nhanh hơn (thậm chí theo thời gian thực) để hỗ trợ việc xây dựng chính sách, giám sát rủi ro. Đối với các tổ chức tài chính được cấp phép, việc sử dụng RegTech có thể giúp cải thiện kết quả tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng quản lý rủi ro và tạo ra những hiểu biết mới về hoạt động của tổ chức, từ đó nâng cao hiệu quả ra quyết định. Đối với cả cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức tài chính, hiệu quả hoạt động do quá trình tự động hóa các quy trình thủ công trước đây và ở cấp độ cao hơn là quá trình chuyển đổi số của tổ chức do áp dụng SupTech và RegTech là cơ hội cần được quan tâm sâu sắc.

Phó Thống đốc cho rằng, mặc dù các lợi ích và cơ hội của SupTech và RegTech là đáng để quan tâm và theo đuổi nhưng chúng ta cũng nhận thức được rằng những rủi ro và thách thức có thể phát sinh từ việc áp dụng SupTech và RegTech cũng tồn tại song hành. Ngoài các rủi ro có thể dễ dàng nhận diện như rủi ro không gian mạng, rủi ro liên quan đến việc sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, nhà cung cấp công nghệ mới và thuê ngoài và nguy cơ phụ thuộc quá mức vào các công cụ SupTech, RegTech.

Theo báo cáo của Hội đồng ổn định tài chính quốc tế vào tháng 10/2020, các nhà chức trách từ các quốc gia thành viên cũng báo cáo một loạt thách thức trong việc thiết kế và triển khai các chiến lược SupTech, RegTech; chúng bao gồm các vấn đề xung quanh kỹ năng và nguồn cung ứng, chất lượng dữ liệu và những quan ngại xung quanh việc tích hợp, quản trị và giải trình trách nhiệm đối với việc sử dụng các công cụ SupTech, RegTech.

Ở Việt Nam, năm 2020 được Chính phủ lựa chọn là năm chuyển đổi số quốc gia, theo đó Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đến năm 2030 đã được xây dựng, ban hành. Nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, NHNN đã chủ động đi trước đón đầu, nghiên cứu ban hành nhiều cơ chế, chính sách thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, NHNN đã nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và yêu cầu từng TCTD phải xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số thích ứng với bối cảnh trong giai đoạn 2020-2025. Tại Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, nội hàm về phát triển Regtech tại các tổ chức tín dụng và Suptech tại NHNN cũng đã được nêu ra.

Cụ thể, đối với Regtech, tại điểm 5.3 mục IV của Quyết định 810/QĐ-NHNN có nêu yêu cầu: “Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng; phát hiện gian lận, lưu trữ thông tin, phân tích dữ liệu; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot”. Còn đối với Suptech, tại điểm 4.3 mục IV của Quyết định 810/QĐ-NHNN có nêu yêu cầu: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của NHNN.”

Toàn cảnh tọa đàm

Theo Phó Thống đốc, phần lớn các Ngân hàng ở Việt Nam đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là một mục tiêu trọng yếu trong Chiến lược kinh doanh, không đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin. Như vậy, rõ ràng chuyển đổi số đã và đang tiếp tục là xu thế tất yếu. Xu thế này đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và trong việc tuân thủ các quy định này.

Phó Thống đốc mong muốn, tại tọa đàm khoa học này, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia sẽ đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề sau: Đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những vấn đề lý luận chung về RegTech, SupTech, bao gồm: khái niệm, đặc điểm, vai trò, các lĩnh vực ứng dụng; chỉ rõ các khó khăn, thách thức khi phát triển RegTech và SupTech; Đi sâu phân tích kinh nghiệm phát triển RegTech, SupTech ở một số quốc gia (Ireland, Anh, Châu Âu, Singapore, Trung Quốc…), rút ra được những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong thực tiễn cho Việt Nam; Đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển RegTech, SupTech tại Việt Nam và đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển RegTech và SubTech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hiền đã trình bày khái quát về “RegTech, SupTech – Xu hướng phát triển, ứng dụng và một số khuyến nghị đối với Việt Nam” tập trung vào những lợi ích, cũng như những rủi ro và thách thức mà RegTech, SupTech đem lại. Đồng thời nêu ra những bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị đối với Việt Nam.

Các đại diện về phía EI cũng trình bày những nội dung về Thực tiễn ứng dụng RegTech tại 10 thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Một số nghiên cứu điển hình dựa trên kinh nghiệm tại các doanh nghiệp tại Ireland…

Cũng theo ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, giống như Fintech, chuyển đổi số, RegTech, SupTech là xu thế tất yếu diễn ra đối với tất cả các tổ chức tín dụng lẫn cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro, giúp thích ứng với bối cảnh số hóa sâu rộng và thách thức của kỷ nguyên số. RegTech, SupTech có tiềm năng tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và thực thi chế tài của cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ, tăng cường tính ổn định của thị trường tài chính,… Tuy nhiên việc triển khai SupTech, RegTech cũng có thể mang lại một số thách thức, rủi ro như thiếu hụt nguồn nhân lực; hạn chế trong kiến thức công nghệ; rủi ro trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ứng dụng các mô hình phân tích, dự báo với kết quả không rõ nguyên nhân…

Tại Việt Nam, triển khai, áp dụng Suptech và RegTech là vấn đề mới, chưa có nhiều nghiên cứu sâu nên việc tổ chức tọa đàm khoa học “Kinh nghiệm triển khai RegTech, SupTech và các khuyến nghị đối với Việt Nam” thực sự có ý nghĩa. Các thông tin từ tọa đàm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, cơ quan giám sát, các tổ chức tài chính hiểu về RegTech và SupTech. Đây cũng là diễn đàn để chúng ta có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm ứng dụng tại các quốc gia trong đó có Ireland, từ đó có những giải pháp, lộ trình triển khai hợp lý, khả thi đối với việc phát triển RegTech và SupTech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ