Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 11 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất của PVTrans đạt 10.900 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Với kế hoạch doanh thu 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng được đặt ra từ đầu năm, PVTrans đã vượt xa các mục tiêu này, đạt mức vượt 24% về doanh thu và 79% về lợi nhuận trước thuế.
![]() |
Ngành logistics Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ |
Kết quả ấn tượng này đến từ chiến lược trẻ hóa đội tàu mà PVTrans đã thực hiện trong hơn ba năm qua. Doanh nghiệp đã thanh lý các tàu cũ không còn hiệu quả khai thác, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào các tàu mới có hiệu suất cao, đáp ứng tiêu chuẩn vận tải quốc tế. Chỉ riêng trong năm 2024, PVTrans đã hoàn tất tiếp nhận thêm 6 tàu mới, nâng tổng số tàu sở hữu lên 58 chiếc với tổng trọng tải đạt hơn 1,6 triệu DWT. Đây là đội tàu chở hàng lỏng lớn nhất Việt Nam hiện nay, giúp PVTrans kiểm soát thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực vận tải dầu khí và hàng hóa.
Hiện tại, PVTrans kiểm soát phần lớn thị phần vận tải dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chiếm 30% thị phần vận tải dầu sản phẩm trong nước và độc quyền vận tải khí hóa lỏng với 100% thị phần. Bên cạnh đó, công ty cũng chiếm 10% thị phần vận tải than và 10% thị phần kho chứa dầu nổi (FSO). Với đội tàu hiện đại và chiến lược phát triển hiệu quả, PVTrans đang hướng tới mục tiêu mở rộng mạnh mẽ thị trường quốc tế. Công ty đặt kỳ vọng doanh thu từ các hoạt động ngoài nước sẽ chiếm ít nhất 70% tổng doanh thu trong những năm tới.
Trong báo cáo phân tích cuối tháng 11, Chứng khoán DSC cho biết do đội tàu của PVTrans còn khá nhiều tàu có tuổi đời lâu nên có khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục công tác "trẻ hóa" đội tàu và tiếp tục ghi nhận các khoản lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tàu trong năm 2025.
Ngành logistics Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Năm 2024 được xác định là thời điểm then chốt trong kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics. Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng logistics, kết nối các tuyến vận tải nội địa và quốc tế. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025-2035, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các khảo sát gần đây từ Vietnam Report đã chỉ ra rằng cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào nhiều giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng giao thông và viễn thông, thúc đẩy các chính sách phát triển ngành logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hải quan, cắt giảm các khoản phí sử dụng hạ tầng, đồng thời nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển và cửa khẩu biên giới. Những giải pháp này, kết hợp với sự chủ động của doanh nghiệp, sẽ là động lực lớn giúp ngành logistics Việt Nam không chỉ khắc phục các bất cập hiện tại mà còn đạt được tham vọng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực.
![]() | Thiên Long (TLG) vượt 17% kế hoạch lợi nhuận năm sau 10 tháng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận doanh thu 3.238 tỷ đồng sau 10 tháng đầu năm 2024, tăng 7% so với cùng kỳ, với ... |
![]() | Ngành nước Bình Dương có thêm động lực tăng trưởng mới, TDM đạt 96% kế hoạch lợi nhuận sau 11 tháng Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HOSE: TDM) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 11 tháng đầu năm 2024 ... |
Phạm Hường