PVEP hành động tích cực để thích ứng với dịch chuyển năng lượng

(Banker.vn) Là đơn vị chuyên hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, PVEP đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động để thích ứng với chuyển dịch năng lượng.
Công đoàn PVEP: Điểm tựa tin cậy của đoàn viên, người lao động Năm 2023: PVEP vượt khó thành công Thành công của năm 2023 tạo tiền đề cho PVEP bứt phá

Chuyển dịch năng lượng (CDNL) đã diễn ra trong suốt quá trình hình thành và phát triển của con người, đặc biệt là trong 200 năm gần đây. Quá trình CDNL là sự thay đổi lớn về công nghệ và hành vi cần thiết để thay thế một nguồn năng lượng này bằng một nguồn năng lượng khác. Cuối thế kỷ 19, thế giới chứng kiến việc chuyển dịch từ năng lượng sinh khối (củi, gỗ, rơm rạ…) sang than đá và dầu mỏ, việc dịch chuyển này được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng năng suất lao động trên cơ sở phát triển khoa học kỹ thuật. Trong thế kỷ 21, thời đại chúng ta đang sống, lại đang chứng kiến cuộc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) sang các nguồn phát thải carbon thấp hơn như năng lượng gió, mặt trời, hydrogen…

Nhiên liệu hóa thạch đã đóng vai trò cung cấp năng lượng chính cho toàn thế giới trong suốt hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cùng với sự khan hiếm dần của nhiên liệu hóa thạch, việc CDNL để cắt giảm phát thải carbon, đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và chú trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả trở thành xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng buộc phải có những điều chỉnh chiến lược và hoạt động để thích ứng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên, trong đó có Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã nhận diện rõ thách thức và cơ hội từ xu hướng CDNL, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa hướng tới phát triển bền vững.

Với vai trò là đơn vị chuyên hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, PVEP đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động để thích ứng với CDNL. Năm 2021, PVEP đã ban hành Chương trình hành động CDNL và thành lập Ban Chỉ đạo cùng Tổ giúp việc để triển khai, theo dõi thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình này. Đến đầu năm 2024, với kinh nghiệm tích lũy từ những công việc đã triển khai từ 2021, PVEP đã cập nhật xu hướng CDNL trên thế giới, đánh giá thế mạnh và nhận diện các rủi ro, để từ đó chính thức ban hành Lộ trình Chuyển dịch năng lượng. Lộ trình đã xác định được mục tiêu và các nhóm giải pháp để PVEP thích ứng với CDNL, với sự nhìn nhận rất rõ ràng về cơ hội và các thách thức trước mắt.

PVEP hành động tích cực để thích ứng với dịch chuyển năng lượng
Lộ trình thích ứng với CDNL của PVEP

Đẩy nhanh thăm dò khai thác & tận thu

Đối mặt với tình hình chuyển dịch năng lượng rất mạnh mẽ trên thế giới và là một công ty trong lĩnh vực E&P, PVEP ý thức được vai trò của mình đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng. PVEP xác định cần phải đẩy mạnh công tác tìm kiếm- thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót, cận biên; rà soát, có chiến lược chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài; đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò, đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ mới vào hoạt động. PVEP đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa thêm 5 mỏ/ cụm mỏ hiện có vào khai thác, trong đó dự kiến có 3 mỏ dầu, 2 mỏ khí.

Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm

PVEP đặt mục tiêu đạt tỷ lệ sản lượng khí/dầu là 55/45 vào năm 2030 và 80/20 vào năm 2045. Với định hướng này, PVEP sẽ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng khí đốt tự nhiên - nguồn năng lượng carbon thấp so với dầu thô trong giai đoạn chuyển tiếp từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo. Để đạt được mục tiêu dịch chuyển cơ cấu sản phẩm từ dầu sang khí, trong thời gian tới, PVEP sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác, tận thu các mỏ hiện hữu, tăng cường hoạt động thăm dò để tìm kiếm các mỏ mới.

PVEP hành động tích cực để thích ứng với dịch chuyển năng lượng
Cụm mỏ Sư Tử - PVEP

Thu hồi và lưu giữ carbon

PVEP đang tích cực nghiên cứu, nắm bắt cơ hội triển khai lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới về CCS (Carbon Capture & Storage). Công nghệ CCS/CCUS được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính đáng kể, đặc biệt với các ngành phát thải lớn như năng lượng. Bên cạnh đó, CCS cũng mở ra cho PVEP cơ hội để triển khai một mảng dịch vụ, sản phẩm mới, mang lại dòng doanh thu mới bên cạnh những sản phẩm truyền thống về dầu/khí như hiện tại. Theo kế hoạch đề ra, PVEP sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án bơm ép CO2 vào năm 2028 tại mỏ dầu khí đang khai thác chung PM3 CAA, nằm tại vùng chồng lấn Malaysia- Việt Nam. Với mục tiêu sẽ có thể đưa hoạt động CCS vào vận hành và có thể thu được tín chỉ Carbon, PVEP đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu & triển khai.

Giảm phát thải khí nhà kính (KNK)

Theo thống kê khí thải nhà kính từ 2017-2022, PVEP & các đơn vị dự án phát thải 1,2-1,5 triệu tấn CO2 tđ mỗi năm. Sau khi rà soát và đánh giá các phương án giảm phát thải, PVEP đặt mục tiêu giảm 32,6% lượng phát thải KNK vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2014, tương đương với 280.000 tấn CO2 tđ. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP 26 về giảm phát thải. Để đạt được mục tiêu này, PVEP sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thu gom tối đa khí đồng hành, hạn chế đốt đuốc và xả vent, kiểm soát rò rỉ, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Trồng rừng trung hòa carbon

Để đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, PVEP đã xây dựng lộ trình phát triển các cánh rừng nhằm hấp thụ, trung hòa lượng carbon phát thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết năm 2023, PVEP đã trồng được hơn 260 nghìn cây, tương đương 76ha rừng, bao gồm cả rừng ngập mặn và cây xanh trên khắp cả nước, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An…

Đầu năm 2024, PVEP xây dựng Lộ trình trồng rừng & các Đề án cánh rừng PVEP tại các địa phương, với mục tiêu hấp thụ khoảng 1,7% lượng khí phát thải từ các hoạt động SXKD. Theo đó, mỗi năm PVEP sẽ triển khai trồng từ 60-300.000 cây (tùy vào loài cây). Mục tiêu đến năm 2040, PVEP sẽ đạt hơn 1,7 triệu cây xanh được trồng để trung hòa carbon, khẳng định hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với môi trường, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và người dân.

PVEP hành động tích cực để thích ứng với dịch chuyển năng lượng
Hoạt động trồng rừng của PVEP tại tỉnh Nghệ An

Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero)

Với việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo trong mọi hoạt động, PVEP đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 và hướng tới phát thải ròng âm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng hình ảnh thân thiện môi trường, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề toàn cầu về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Song song với việc thực hiện các giải pháp thích ứng CDNL đã đề ra, PVEP thường xuyên cập nhật, đánh giá các cơ chế, chính sách mới về CDNL của Đảng, Chính phủ và tham khảo các mô hình CDNL trên thế giới. Từ đó, PVEP điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ khai thác hiệu quả tài nguyên năng lượng trong nước, vừa hướng tới phát triển bền vững.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc thích ứng với xu thế CDNL, PVEP khẳng định cam kết vì sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.

Hương Chi

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục