PTSC "họp gấp" liên quan đến gói thầu ”khủng” của dự án điện khí 12 tỷ USD

(Banker.vn) Do giá trị phần việc của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tại gói thầu EPCI#1 lên đến 493 triệu USD, cao hơn 35% tổng tài sản, doanh nghiệp này cần phải có sự chấp thuận của đa số cổ đông.

Mới đây, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - HNX: PVS) mới công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, nhằm xin ý kiến cổ đông chấp thuận cho công ty triển khai một dự án có giá trị lớn hơn 35% tổng tài sản. Theo đó, đây là hợp đồng "Thiết kế, mua sắm, thi công và lắp đặt giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở và tháp đuốc (EPCI#1)" thuộc chuỗi dự án Khí Lô B - Ô Môn.

Bên trao thầu là công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đồng thời PVN cũng là công ty mẹ của PTSC. Bên nhận thầu là liên doanh McDermott Asia Pacific Sdn. Bhd. và PTSC.

PTSC
Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam xin ý kiến cổ đông chấp thuận cho công ty triển khai một dự án có giá trị lớn hơn 35% tổng tài sản.

Được biết, gói thầu EPCI#1 có tổng giá trị gần 1,1 tỷ USD. Trong đó, phần việc của PTSC có giá trị gần 493 triệu USD, thực hiện trong 38 tháng; bao gồm một số công việc như thiết kế FEED, lắp ráp và hoàn công, mua sắm trang thiết bị, chế tạo cấu kiện, hạ thủy và đấu nối...

Trước đó vào ngày 31/10/2023, Hội đồng quản trị PTSC đã chấp thuận nội dung Thư trao thầu giới hạn (LLOA) cho gói thầu này, tổng công ty thực hiện một số công việc trong phạm vi giới hạn với thời gian 6 tháng và hợp đồng chính sẽ có hiệu lực khi có thông báo của chủ đầu tư.

Lãnh đạo PTSC cho biết, việc khởi động lại dự án Khí Lô B sau thời gian dài trì hoãn là một tín hiệu tích cực, nhất là trong bối cảnh nguồn cung dầu khí Việt Nam suy giảm trong các năm gần đây. Khí Lô B là chuỗi dự án khí lớn nhất từ trước đến nay với nhiều gói thầu quan trọng.

"Dự án không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian thực hiện mà còn trong giai đoạn phát triển và vận hành dự án về sau, với tổng cộng 52 giàn khai thác", theo tài liệu họp.

Theo ước tính của tổng công ty, lợi nhuận tạo ra chỉ riêng với hợp đồng EPCI#1 là khoảng 4% trên giá trị hợp đồng, đồng thời nâng cao năng lực quốc tế khi lần đầu tiên chế tạo được khối thượng tầng đến 23.000 tấn.

Chuỗi dự án khí Lô B- Ô Môn bao gồm các 3 dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn (hạ nguồn) với tổng quy mô đến 12 tỷ USD.

Riêng phân đoạn Dự án phát triển mỏ Lô B có giá trị 7 tỷ USD, bao gồm nhiều gói thầu khác nhau như EPCI#1, EPCI#2, FSO, đường ống dẫn khí, EPC, PC... với vòng đời 20 năm.

Mục tiêu của dự án thành phần này là thu gom nguồn khí với tổng trữ lượng dự kiến 3,78 tỷ bộ khối (khoảng 107 tỷ m3) và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí về bờ 5,06 tỷ m3/năm do PQPOC quản lý dự án.

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng 2023, PVS mang về 12.591 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí đạt 1.124,6 tỷ đồng; dịch vụ FSO và FPSO đạt 1.297,2 tỷ đồng; dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp đạt 7.085 tỷ đồng; dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển đạt 1.222,2 tỷ đồng… Nhờ đó, Công ty lãi sau thuế 606,2 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Năm 2023, PVS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 13.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 560 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, PVS đã hoàn thành đến 95% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 8% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Tiên Phong cho biết triển vọng giá dầu trung bình dự báo ở mức trên 70 USD/thùng là động lực cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trên toàn cầu tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh cho PVS trong hoạt động xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C)...

Ngoài ra, dự án Lô B - Ô Môn, loạt dự án khai thác dầu khí mới tại Việt Nam cũng sẽ sớm được triển khai (Lạc Đà Vàng A&B, Sư Tử Trắng 2B, Nam Du U Minh) sẽ góp phần tạo ra khối lượng công việc lớn mảng M&C cho dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong giai đoạn 2024 – 2027 của PVS.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 16/1, cổ phiếu PVS đang ở mức 37.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, xét từ đầu năm, PVS nhận được nhiều kỳ vọng tích cực từ hiệu ứng Dự án Lô B – Ô Môn giúp cổ phiếu tăng tới hơn 76,6%.

Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) bị cưỡng chế gần 1.300 tỷ đồng tiền thuế

Dầu khí Nam Sông Hậu bị tỉnh Hậu Giang cưỡng chế 1.159 tỷ đồng và bị Cần Thơ cưỡng chế hơn 92 tỷ đồng.

Hàng triệu cổ phiếu PSH nằm sàn sau khi doanh nghiệp bị cưỡng chế 1.252 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu PSH ghi nhận diễn biến tương đối tiêu cực nằm sàn với khối lượng lên tới hàng ...

Loạt cổ phiếu dầu khí khởi sắc sau cú đảo chiều bất ngờ từ giá dầu thế giới

Trong phiên giao dịch sáng nay, nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận diễn biến tích cực với sắc xanh bao trùm toàn ngành.

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán