Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN): Ngành hàng không phục hồi, quý II tiếp tục lãi đậm

(Banker.vn) Báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) cho thấy, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này vẫn duy trì đà tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN): Ngành hàng không phục hồi, quý II tiếp tục lãi đậm
Ngành hàng không hồi phục mạnh mẽ, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn lãi sau thuế 78 tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu quý II/2023 đạt 365 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là mảng dịch vụ hàng không khi đóng góp tới 359 tỷ đồng, chiếm 98% cơ cấu doanh thu. So với quý II/2022, doanh thu hàng không của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đã tăng 56%. Trong khi đó, doanh thu phi hàng không giảm 2%.

Mặc dù giá vốn hàng bán tăng gần 60% so với cùng kỳ, lên mức 251 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp không “đi lùi”, mà vẫn tăng lên 45,3%, đạt mức 114 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Nhờ khoản lãi tiền gửi tăng, doanh thu tài chính tăng gấp 3,6 lần, đạt 18 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính chỉ ở mức 300 triệu đồng, do không phải trả chi phí lãi vay.

Kết quả, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn lãi sau thuế 78 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ quý IV/2019.

Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN): Ngành hàng không phục hồi, quý II tiếp tục lãi đậm
Phục vụ Mặt đất Sài Gòn vẫn giữ vững "phong độ" với kết quả kinh doanh cải thiện qua từng quý

Theo giải trình của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, lợi nhuận quý này tăng là nhờ sản lượng khai thác của các hãng hàng không quốc nội và quốc tế tiếp tục có sự phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, doanh nghiệp này ký được thêm hợp đồng phục vụ với một số khách hàng mới và điều chỉnh tăng phí dịch vụ với một số khách hàng hiện tại. Bên cạnh đó, trong kỳ kinh doanh này, công ty con SAGS - CXR đã có lãi tốt so với cùng kỳ thua lỗ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt 694,5 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 74%, đạt 134 tỷ đồng. , 130,1 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 70,9% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp thường niên hồi giữa tháng 4, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn có nhiệm vụ mang về 1.280 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tỏng năm 2023. Như vậy, chỉ sau nửa năm, “ông lớn” ngành dịch vụ sân bay đã hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt 1.258 tỷ đồng, tăng gần 16% với số đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận ở mức 485 tỷ đồng, chiếm tới 38,5% cơ cấu tài sản. Không chỉ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đây cũng là chỉ tiêu chứng kiến sự tăng trưởng cao nhất, ở mức 34%. Theo sau là các khoản phải thu ngắn hạn, với mức tăng 24%, từ 318 lên 385 tỷ đồng. Trong các khoản phải thu, Vietjet và Bamboo Airways đang là hai khách hàng “nợ” Phục vụ Mặt đất Sài Gòn nhiều nhất, lần lượt là 181 tỷ đồng và 72,6 tỷ đồng.

Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN): Ngành hàng không phục hồi, quý II tiếp tục lãi đậm
Các khoản phải thu của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn chủ yếu nằm ở Vietjet và Bamboo Airways

Cuối kỳ kinh doanh, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tăng tới 64%, lên mức 353 tỷ đồng, trong đó không có nợ vay tài chính.

Vốn chủ sở hữu Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt 905,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 150 tỷ đồng.

Trở lại với kết quả kinh doanh của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, kể từ khi được cổ phần hoá và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay, doanh nghiệp này luôn “làm ăn” có lãi, thậm chí ngay cả trong lúc ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là một trong những đơn vị trả cổ tức cao, với tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt bình quân là 30%/năm.

Bên cạnh đó, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn còn được biết đến là “gà đẻ trứng vàng” của Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng - IMP Corp. Trong thương vụ sang nhượng cổ phiếu SGN cho Viejet hồi năm 2019, doanh nghiệp của đại gia Lưu Quang Lãm đã “bỏ túi” hơn 140 tỷ đồng. Mới đây, khi thoái hết vốn và nhường ghế cổ đông lớn cho Him Lam Land, IMP Corp được cho là đã kiếm thêm khoảng 160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng ngồi ghế cổ đông lớn, Him Lam Land của “đại gia” Dương Công Minh bất ngờ giảm sở hữu tại Phục vụ Mặt đất Sài Gòn xuống dưới 5%, thu hồi khoảng 72 tỷ đồng tiền vốn liếng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, cổ phiếu SGN đã tăng 6,2% lên 77.000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 1 năm qua mà cổ phiếu này đạt được.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán