Phú Thọ: Quản lý thị trường xử lý 1.034 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 4,1 tỷ đồng

(Banker.vn) Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường Phú Thọ đã kiểm tra 1.513 vụ, xử lý 1.034 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 4,1 tỷ đồng...
Quản lý thị trường Hải Phòng xử lý 423 vụ, phạt hành chính gần 3,6 tỷ đồng trong năm 2023 Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Hoạt động trên địa bàn là nơi trung chuyển, nhánh đường từ Hà Nội hướng đi các tỉnh biên giới phía Bắc, năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã triển khai tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành tiến hành triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa dối người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trong năm ổn định, phát triển lành mạnh…

Phú Thọ: Quản lý thị trường xử lý 1.034 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 4,1 tỷ đồng
Lực lượng Quản lý thị trường triển khai kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, trong năm 2023 đơn vị đã thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ đối với 5 kế hoạch đã được ban hành, trong đó có kế hoạch kiểm tra định kỳ; kế hoạch triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023; kế hoạch kiểm tra chuyên đề về an toàn thực phẩm trong tháng "Hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023; kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu năm 2023...

Theo đó, tổng số vụ kiểm tra thực hiện các kế hoạch là 1.513 vụ, xử lý 1.034 vụ vi phạm, thu nộ ngân sách trên 4.171.262.000 đồng. Không có vụ việc chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự…

Kết quả kiểm tra thể hiện, về vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, có các vụ việc hàng hóa vi phạm là pháo nổ, quần áo các loại, tai nghe, máy sấy tóc, đèn học, máy ép chậm, ấm siêu tốc, nồi điện... Lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 7 hành vi vi phạm, phạt vi phạm hành chính trên 66 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 103.240.000 đồng.

Quá trình kiểm tra xử lý cũng ghi nhận các hành vi vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ như hàng hóa vi phạm là giầy thể thao, dép, túi xách giả mạo nhãn hiệu adidas, NIKE, YOD... đã được bảo hộ tại Việt Nam. Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 50 hành vi vi phạm, phạt vi phạm hành chính số tiền trên 520 triệu đồng.

Ngoài ra, các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng cũng đã thường xuyên kiểm tra và kịp thời phát hiện. Trên địa bàn không xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật... Lực lượng đã kiểm tra, xử lý 483 hành vi vi phạm, phạt vi phạm hành chính gần 600 triệu đồng...

Đặc biệt, đối với kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được lực lượng Quản lý thị trường quan tâm thường xuyên. Các lỗi vi phạm phát hiện thương là kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vận chuyển sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh... Trong năm đã xử lý 231 hành vi vi phạm, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 721 triệu đồng...

Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ đó đã góp phần hạn chế buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Phú Thọ: Quản lý thị trường xử lý 1.034 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 4,1 tỷ đồng
Tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Chủ động phối hợp chặt chẽ và giữ vững mối liên hệ với các Hiệp hội chống hàng giả, các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng...

Trong điều kiện còn khó khăn, hạn chế về trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã đưa ra các gải pháp khắc phục để triển khai tốt nhất nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bám sát các nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổ chức thực thực hiện tốt các kế hoạch chuyên đề, đặc biệt là kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…

Các đội nghiệp vụ sẽ tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm... Chú trọng kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng như xăng dầu, gas, điện tử điện lạnh, mỹ phẩm, giày dép, quần áo, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc... Cùng với đó quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Minh Thư

Theo: Báo Công Thương