Phong Nha- Kẻ Bàng: Dư địa phát triển du lịch còn rất lớn

(Banker.vn) Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nhấn nổi bật, được xem là nơi hội tụ những tài nguyên du lịch quan trọng nhất của tỉnh Quảng Bình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Bình đang có vận hội phát triển tươi sáng Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình có nhiều tiềm năng về du lịch, không những chỉ có các giá trị về văn hóa mà còn có giá trị về cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặt biệt là các giá trị về hang động, đa dạng sinh học qua đó để giúp phát triển du lịch. Hiện trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu Bảo tồn nhiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, cùng hệ thống sông, suối và hang động kỳ vĩ là điều kiện tốt và nhiều tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đặc trưng.

Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nhấn nổi bật, được xem là nơi hội tụ những tài nguyên du lịch quan trọng nhất của tỉnh.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từng 2 lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó, năm 2003, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo tiêu chí địa chất, địa mạo; năm 2015, Vườn tiếp tục được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai, dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.

Phong Nha- Kẻ Bàng: Dư địa phát triển du lịch còn rất lớn
Dư địa về du lịch tại khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng còn rất lớn (Ảnh: TTDLPN)

Không chỉ là nơi có sự đa dạng về giá trị sinh học, cảnh quan tự nhiên, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn nổi tiếng khi sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ, tráng lệ, được mệnh danh là “Vương quốc hang động” của thế giới. Trong đó, động Phong Nha - hang động có dòng sông ngầm dài nhất thế giới; động Thiên Đường - hang động có hệ thống thạch nhũ, măng đá độc đáo và tráng lệ nhất châu Á; hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, là những thắng cảnh “độc nhất vô nhị”, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Vườn còn có các thắng cảnh tự nhiên như sông Chày, rừng Gáo, thác Gió, thác Mơ, suối nước Moọc... đều là các điểm du lịch hấp dẫn.

Với một nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo và hết sức đa dạng, phong phú, hiện nay Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang tổ chức một số loại hình du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như các điểm tham quan du lịch hang động đại trà; Loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá hang động kết hợp với trải nghiệm rừng nguyên sinh nhiệt đới; Các dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí. Tiêu biểu cho loại hình này có điểm DLST Suối Moọc, Zipline Sông Chày - Hang Tối, Công viên sinh thái OZO; Loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm kết hợp diễn giải môi trường; Loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử đã hình thành từ nhiều năm. Ngoài ra, ở khu vực vùng đệm, lân cận Vườn quốc gia hiện nay đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch farmstay, homestay, trang trại nông sản sạch,....Tiêu biểu như Chày Lập, Lake house, Đoàn Gia Resort,... các sản phẩm này vừa độc lập nhưng cũng vừa có mối liên hệ mật thiết với các sản phẩm du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia, vừa “ăn theo” vừa hỗ trợ sản phẩm du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện nay, Vườn đang phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như tham quan du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm rừng nguyên sinh nhiệt đới, du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử…

Ở khu vực vùng đệm, lân cận Vườn quốc gia đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch farmstay, homestay, trang trại nông sản sạch, tiêu biểu như Chày Lập, Lake House, Đoàn Gia Resort… Theo đó, các sản phẩm này vừa độc lập, vừa có mối liên hệ mật thiết với những sản phẩm du lịch sinh thái trong Vườn.

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, năm 2023, lượng khách du lịch đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đạt hơn 662.000 lượt, tăng hơn 6% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt trên 83.000 lượt, tăng 231%. Doanh thu du lịch đạt gần 270 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, thời gian qua, công tác đầu tư hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch tại Vườn được tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện.

Năm 2013, tỉnh đầu tư cải tạo hang động Tiên Sơn; năm 2016, đầu tư xây dựng công trình xây dựng điểm du lịch sinh thái suối nước Moọc (giai đoạn I); năm 2019, đầu tư hệ thống sàn đạo trong động Phong Nha… Cùng với đó, ngành du lịch cũng mở thêm nhiều tuyến, tour mới tại Vườn để phục vụ du khách.

Ngoài việc sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển du lịch, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn huy động thêm vốn từ cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như: zipline (trượt cáp) sông Chày hang Tối, nhà hàng Heritage, nhà hàng Sơn Đoòng...

Phong Nha- Kẻ Bàng: Dư địa phát triển du lịch còn rất lớn
Hội nghị công bố Đề án phát triển du lịch khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng

Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn chung còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, vẫn thiếu chính sách để thu hút vốn đầu tư phát triển các loại hình du lịch đặc thù, các hình thức liên kết du lịch, trong bối cảnh vốn đầu tư ngân sách còn hạn hẹp.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, “để giải quyết được vấn đề vốn cho đầu tư phát triển du lịch, thì một trong những giải pháp quan trọng cần phải đẩy mạnh là xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Ban quản lý sẽ tăng cường xúc tiến, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án đầu tư, nhằm phát triển du lịch trên địa bàn”.

Vai trò của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong các định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình hết sức quan trọng. Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được định hướng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch cũng xác định đây là một trong 2 “trung tâm động lực tăng trưởng” chính của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, bên cạnh Khu kinh tế Hòn La.

Được biết, ngày 23/1/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giai đoạn 2021-2030.

Đề án được xây dựng với 4 mục tiêu chính: Khai thác hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ thống hang động gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; Nâng cao hiệu quả kinh tế của Vườn quốc gia; Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương; Kêu gọi đầu tư để xây dựng các tuyến điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng tăng.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tham quan Vườn quốc gia đạt 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng. Đến năm 2030, lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo đề án này, ngoài các tuyến, điểm du lịch đang khai thác, có 20 khu vực tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (gồm 9 điểm và 11 tuyến du lịch) được xác định có tiềm năng cần ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

Sau 23 năm được thành lập, đặc biệt sau hơn 20 năm được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 7/2003) đến nay, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong nước cũng như trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Quảng Bình trên thị trường du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng một số sản phẩm du lịch chưa cao, còn nặng tính mùa vụ. Vì vậy, để tiếp tục phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản, ngày 23 tháng 1 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 153/QĐ -UBND về việc phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, giai đoạn 2021-2030.

Ông Phạm Hồng Thái cho hay, “hiện nay, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang khai thác 17 sản phẩm du lịch, song chất lượng một số sản phẩm chưa tương xứng. Vì vậy, Đề án yêu cầu các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng chuyên nghiệp hóa phong cách phục vụ, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm tốt nhất các giá trị khác biệt của di sản thế giới”, ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.

Thành Long

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục