Phó Tổng Giám đốc VPBank mua thành công 298.600 cổ phiếu VPB

(Banker.vn) Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HOSE: VPB), ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã mua thành công 298.600 cổ phiếu VPB, nâng tổng số cổ phiếu đang nắm giữ lên 572.364 cổ phiếu. Giao dịch mua của ông Bình được thực hiện từ ngày 27/3 đến ngày 10/4/2023 qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Được biết, trước đó, Phó Tổng Giám đốc của VPBank đã đăng ký mua vào 350.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, thay đổi nhu cầu cá nhân nên ông Bình chỉ gom 298.600 cổ phiếu.

Phó Tổng Giám đốc VPBank mua thành công 298.600 cổ phiếu VPB
Trong năm 2023, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 39%, đạt hơn 877 nghìn tỷ

Động thái mua vào của ông Bình diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu VPB đã bắt đầu "hạ nhiệt" sau khi tăng mạnh trước thông tin ngân hàng sẽ bán 15% vốn cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản - SMBC.

Trước đó, mở cửa phiên đầu tuần vào ngày 13/3 - ngay sau khi thông tin SMBC và VPBank sẽ hoàn tất thương vụ bán vốn được Bloomberg tiết lộ, cổ phiếu VPBank đã tăng mạnh 6,01%, từ mức giá 18.800 đồng/cổ phiếu lên 19.400 đồng/cổ phiếu.

Kể từ thời điểm đó đến khi hai bên kí kết thỏa thuận vào hôm 27/3, cổ phiếu VPB, tăng 13% so với giá mở cửa phiên ngày 13/3 lên 21.250 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của ngân hàng lên gần 143 nghìn tỷ. Nhờ đó, vốn hóa của VPBank bỏ xa Techcombank trong cuộc đua ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng vượt qua cả VietinBank để chiếm vị trí thứ 3, chỉ còn xếp sau Vietcombank (431 nghìn tỷ) và BIDV (233 nghìn tỷ).

Tuy nhiên, ngay sau đó cổ phiếu VPBank đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi ghi nhận 5 phiên giảm và 3 phiên giữ nguyên giá trong 12 phiên từ ngày 28/3 đến 12/4. Kết phiên giao dịch ngày 12/4, cổ phiếu VPB dừng ở mức 20.650 đồng/ giảm 3% so với mức giá đóng cửa ngày 27/3.

Trong năm 2023, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 39%, đạt hơn 877 nghìn tỷ; tiền gửi tăng 41%, đạt hơn 518 nghìn tỷ; dư nợ cho vay tăng 33%, đạt mức gần 636 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022.

Trong năm 2023, VPBank cũng lên kế hoạch sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt được ngân hàng công bố là gần 8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả là trong quý 2-3/2023.

Bên cạnh đó, VPBank cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP). Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành và bán 30,2 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý 2 đến quý III/2023.

Ngoài cổ phiếu ESOP, VPBank cũng sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2023 thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành gần 1,19 tỷ cổ phiếu cho Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn điều lệ và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này lên mức tối đa 30%.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chiến lược cũng được VPBank công bố là ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMBC). Giá bán dự kiến VPBank đưa ra là 30.159 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 79.339 tỷ đồng.

Hôm 27/3 vừa qua, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng này. Khoản đầu tư sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank tăng 48% so với năm trước. Trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng; chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trước mắt, VPBank lạc quan trong thận trọng khi đặt ra các chương trình hành động về vốn, huy động, cho vay, và số hóa có phần tham vọng trong năm 2023.

Trao đổi với nhà đầu tư trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý IV và năm 2022 tổ chức mới đây, lãnh đạo cấp cao của VPBank đã chia sẻ định hướng của khối khách hàng cá nhân - một trong những khối kinh doanh chiến lược của VPBank cho năm 2023 với ưu tiên tập trung tăng trưởng huy động (mục tiêu trên 50%), tăng trưởng CASA (trên 80%), tăng trưởng tín dụng có chọn lọn – hướng tới các phân khúc bền vững, và tăng trưởng nguồn thu từ phí – mũi nhọn cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

VPBank đạt mục tiêu gia tăng quy mô khách hàng cá nhân thêm hơn 2 triệu khách hàng trong năm 2023, tập trung vào phân khúc khách hàng ưu tiên, trung lưu và tiểu thương…

VPBank lên kế hoạch lãi trước thuế hơn 24.000 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 10% trong năm 2023

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023. Cuộc họp của VPBank ...

Loạt ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh “khiêm tốn” trong năm 2023

“Mùa” Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của các ngân hàng đang đến gần, nhiều ngân hàng cũng đã công bố tài liệu họp và ...

Hé lộ kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 của các ngân hàng

Sau ba năm không thực hiện hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng ...

Băng Di

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán