8 kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2021 là năm đầu triển khai Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thử thách diễn biến phức tạp, gay gắt hơn so với dự báo.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đợt dịch bùng phát lần thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, công nghiệp, vùng động lực tăng trưởng của cả nước, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc từ đầu tháng 10/2021, chủ động chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và từng bước mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế xã đã từng bước phục hồi và đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực.
"Trong những kết quả rất đáng trân trọng đó của đất nước, có đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tham luận của các TCTD, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh 8 kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm qua, đó là: NHNN đã triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nắm bắt tình hình và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, NHNN đã chủ động, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân; tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 20212-2025 và Phương án xử lý một số ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc; tiếp cận nhanh với tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có bước phát triển mạnh mẽ trong chuyển đổi số; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng tiếp tục được quan tâm; công tác cải cách hành chính và minh bạch hóa thông tin tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; hợp tác quốc tế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là việc NHNN đã cùng với các bộ, ngành đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong việc chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ và phục vụ tốt đợt đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); chủ động triển khai tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo niềm tin và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, bảo đảm thực sự đi vào thực tiễn đời sống xã hội, phát huy hiệu quả.
8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022
Toàn cảnh hội nghị
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH sau khi nhất là được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...; trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng....
Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ: (1) Tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài); (2) Có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.
Thứ tư, tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án thanh toán không, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tiến bộ và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, tiền tệ. Tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động sửa đổi hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện...
Thứ sáu, nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính - quyết định đến sự phát triển hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng - một lĩnh vực dịch vụ phát triển cao của nền kinh tế. Tập trung làm tốt các khâu từ tuyển dụng - sử dụng - đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Thứ bẩy, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng... Đặc biệt, NHNN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý hài hoà mối quan hệ tiền tệ, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế.
Thứ tám, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, coi đây là một kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội đối với hệ thống. Đặc biệt, yêu cầu NHNN cần chủ động làm tốt công tác truyền thông trong quá trình cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an toàn hệ thống.
"Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đã được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phương Chi
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|