Thương mại điện tử thổi luồng sinh khí mới cho hợp tác xã Tháng hành động vì hợp tác xã 2025 có gì nổi bật? Chuyển đổi xanh - bước ngoặt của kinh tế hợp tác xã |
Việt Nam chủ động, quyết tâm chuyển đổi xanh
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của các quốc gia. Việt Nam cũng đã chủ động, quyết tâm chuyển đổi xanh, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động, cam kết quốc tế hướng tới phát triển bền vững quốc gia.
Phó Thủ tướng nhắc lại, gần đây, trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân cũng khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể là nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực tự cường.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi sản xuất xanh là tập trung chuyển đổi mô hình theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lượng… dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 |
Chuyển đổi xanh, phát triển xanh không thể tách rời mô hình kinh tế tuần hoàn, cần sử dụng tốt khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo để minh bạch hoá chuỗi cung ứng xanh. Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đặc biệt là năng lượng điện gió, điện mặt trời… để sản xuất xanh.
“Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cần có môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và có tính dự báo cao, có sự tham gia của cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã còn nhỏ và yếu cần có sự hỗ trợ tham gia của Nhà nước” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, chuyển đổi sản xuất xanh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, cần chú trọng phát triển các hợp tác xã với tiêu chí bền vững, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, tối ưu hoá giá trị đất đai hơn cả gia tăng sản lượng.
“Làm thế nào để nâng giá trị sản phẩm, ví dụ 1ha ngô, lúa, sắn chỉ loanh quanh 100 triệu, nay cần nâng lên thành các sản phẩm có giá trị 500 triệu và nguồn lao động phải giảm đi, nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững nâng cao hiệu quả” - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.
Đồng thời, ông kể: “Khi tôi còn ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư có xây dựng một Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hoà Bình theo hướng làm thế nào nâng cao giá trị sản phẩm chất lượng, mẫu mã và bán được sản phẩm nhiều hơn. Đồng thời, chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi mang giá trị cao. Hiện nay, dự án này vẫn được triển khai và được chuyển về Bộ Tài chính, vì vậy Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần liên kết chặt chẽ với trung tâm này để được hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị, năng suất, sức cạnh tranh cho các hợp tác xã”.
Vươn ra thế giới
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh hướng tới tăng trưởng bền vững về kinh tế, công bằng xã hội… Khu vực kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống thành viên hợp tác xã. Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng gợi mở một số giải pháp:
Đối với các bộ, ngành và địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo tinh thần kiến tạo, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mô hình kinh tế tập thể; Bộ ngành địa phương triển khai hiệu lực, hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023, tăng cường nguồn lực, nhân lực để hợp tác xã chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh.
![]() |
Phó Thủ tướng yêu cầu các hợp tác xã cần khai phá thị trường quốc tế |
Với Bộ Tài chính có 4 nhiệm vụ: Thứ nhất, nghiên cứu quy định riêng các địa phương dành quỹ đất nhất định ưu tiên cho các hợp tác xã nông nghiệp mượn, thuê, được hỗ trợ giảm giá trong thời gian đầu để các hợp tác xã có điều kiện phát triển.
Thứ hai, tăng cường thúc đẩy tài chính xanh, thu hút đầu tư quốc tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hỗ trợ các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Chính phủ đẩy mạnh ngoại giao về sáng kiến toàn cầu tăng trưởng bền vững, nhưng Việt Nam cũng cần xây dựng các gói tín dụng riêng về chuyển đổi xanh cho các hợp tác xã sản xuất xanh, chuyển đổi số.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động. Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng đề án riêng cho hợp tác xã về chuyển đổi số hoặc gắn với chương trình chuyển đổi số với doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của hợp tác xã.
Thứ tư, nhanh chóng ban hành quy định, quy trình về tín chỉ carbon.
“Những việc gì cần làm, chúng ta phải thực hiện ngay. Ví dụ như diễn đàn về nguồn vốn cho hợp tác xã chuyển đổi xanh và diễn đàn chuyển đổi số cho hợp tác xã. Hiện, Bộ Tài chính đang triển khai những cơ chế về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chúng ta có thể kết hợp để triển khai cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, để các hợp tác xã có thể tiếp cận các giải pháp, các hỗ trợ, biết cách ứng dụng công nghệ… từ đó giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu chuyển đổi số và làm cơ sở để chuyển đổi xanh” - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đối với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu, phát huy vai trò, đại diện nòng cốt hỗ trợ cho kinh tế tập thể. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt nâng cao năng lực, tăng cường phổ biến thông tin dịch vụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. “Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là cầu nối liên kết hợp tác xã với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp và hợp tác xã với Chính phủ” - Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các hợp tác xã tại các nước. “Đã đến lúc nghĩ đến việc mở rộng và vươn ra thị trường nước ngoài. Sắp tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải làm việc với Đại sứ quán ở các nước để mở rộng thị trường” - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu.
Đối với các hợp tác xã, cần chủ động vượt qua rào cản, vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên, chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức. Tăng cường đầu tư vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải.
Phát triển hợp tác xã gắn với chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Xác định nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng nhân lực. Hình thành đội ngũ quản lý am hiểu chuyển đổi xanh, quản lý rủi ro về môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2025 đã định hướng được những giải pháp lớn cho chuyển đổi xanh cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng trên 8% của cả nước trong năm nay, hướng tới tăng trưởng hai con số trong năm sau.
Hiện nay, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể cho kinh tế đất nước đang còn khiêm tốn so với năng lực và có dấu hiệu chậm, tụt lại. Vì vậy, với những tinh thần tại Diễn đàn cùng nhau nỗ lực, cố gắng với sự hỗ trợ của Trung ương, Nhà nước và nỗ lực bản thân hợp tác xã và sự đồng hành của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng tin tưởng chắc chắn khu vực kinh tế tập thể sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, bằng hành động thiết thực, Liên minh sẽ triển khai ngay các vấn đề liên quan đến các bộ, ngành để tạo động lực, cơ sở cho hợp tác xã phát triển, chuyển đổi xanh. Theo bà Vân, so với năm trước, nhiều hợp tác xã đã tiếp cận được vốn từ ngân hàng. Do đó, các hợp tác xã tiêu biểu, phát triển mạnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã khác để đưa khu vực kinh tế tập thể cùng phát triển vững mạnh. |