Phó Thống đốc: “Tín dụng đen” tồn tại, gây bức xúc xã hội

(Banker.vn) Trong khi tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính khá dễ dàng, thuận lợi thì ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin, kiến thức, kỹ năng,.… Tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, gây bức xúc xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Ngày 14/4/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tài chính toàn diện đã họp Tổ Thường trực giúp việc lần thứ nhất. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh, Tổ trưởng Tổ Thường trực tham dự và chỉ đạo cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, chiến lược tài chính toàn diện đã trải qua năm đầu tiên triển khai và đạt được một số thành tựu, kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhờ sự nỗ lực của các cơ quan tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần sớm được nhìn nhận, khắc phục và cải thiện. Bên cạnh đó, qua theo dõi, NHNN nhận thấy nhận thức và tiến độ triển khai kế hoạch hành động Chiến lược của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ và khá chậm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương vẫn chưa được chặt chẽ.

“NHNN tổ chức cuộc họp của Tổ Thường trực là cơ hội để chúng ta cùng nhau phối hợp rà soát, đánh giá và thảo luận phương hướng triển khai Chiến lược trong thời gian tiếp theo một cách thuận lợi và hiệu quả hơn; đồng thời cũng là bước chuẩn bị cần thiết và quan trọng để Tổ Thường trực báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo để có được định hướng hoạt động và chỉ đạo kịp thời ở cấp cao”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, trong khi tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính khá dễ dàng, thuận lợi thì ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, thông tin, kiến thức, kỹ năng, .… Tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, gây bức xúc xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù tài chính toàn diện bao phủ nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng việc phối kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa phát huy thực sự đồng bộ và hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để thực hiện thành công tài chính toàn diện cần có quá trình triển khai đồng bộ, liên tục và dài hạn, đồng thời đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, thống nhất của các cấp lãnh đạo; sự nỗ lực, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và với cơ quan điều phối là NHNN, cùng với sự đồng hành, ủng hộ của các đối tác trong và ngoài nước, của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ, mục tiêu tổng quát của chiến lược là “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Trong đó, đã xác định được rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản, và các nhóm đối tượng ưu tiên là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, lao động di cư, và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, bên cạnh các khó khăn thách thức của quá trình triển khai chiến lược, các thành viên tổ thường trực cần cùng nhau rà soát và trao đổi để tìm ra giải pháp khắc phục, đồng thời thảo luận thông qua báo cáo tình hình triển khai tài chính toàn diện, phân công nhiệm vụ của các thành viên tổ thường trực và thống nhất kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực trong năm 2021 nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động Ban chỉ đạo và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện đã đặt ra.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN, báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: V.A

Báo cáo tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, sau hơn 1 năm chiến lược tài chính toàn diện quốc gia ban hành đã được tích cực triển khai và bước đầu đạt một số kết quả.

Theo đó, khung khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện được tiếp tục hoàn thiện như ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money; quy định cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử (e-KYC), không cần gặp mặt trực tiếp; hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc nhà nước (KBNN); điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng: ban hành các thông tư tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; Quyết định kéo dài chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, nhiều dự thảo nghị định cũng đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng.

Hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển (nâng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM/100.000 người dân trưởng thành từ 12,4 CN/PGD năm 2015 lên 17 CN/PGD vào năm 2020). Tính đến cuối tháng 12/2020, mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước với 19.636 ATM và 276.273 POS, tăng 2,34% đối với ATM và giảm 0,53% đối với POS so với cuối tháng 12/2019 (số lượng POS giảm nhẹ do các TCTD có xu hướng phát triển thanh toán qua QR Code).

Theo bà Hòa, đến cuối tháng 12/2020, có 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ QR Code với hơn 90.000 điểm chấp nhận trên toàn quốc. Độ bao phủ mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đến năm 2020 đã tăng lên 98,4% tổng số xã cả nước; trên 92% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại điểm giao dịch xã. Mạng lưới bưu chính công cộng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cũng được sử dụng để cung ứng dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thu hộ, dịch vụ chi hộ với ước tính có 20 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ hàng tháng đến cuối năm 2020.

Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được phát triển, tăng trưởng cao cả về số lượng và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện. So với năm 2019, năm 2020 số lượng tài khoản thanh toán (của cá nhân và tổ chức) tăng khoảng 11%, đạt 104,2 triệu tài khoản, số lượng thẻ đang lưu hành tăng khoảng 13,9%; thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 43%, 8,3%, 123,9% về số lượng và 29,2%, 25,5%, 125,4% về giá trị giao dịch; thanh toán bằng QR Code đã được các ngân hàng triển khai và đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh.

“Thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng được thúc đẩy và mở rộng với sự triển khai quyết liệt nhiều giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan”, bà Hòa cho biết thêm. Cũng theo bà Hòa, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách một cách nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) được đưa vào vận hành từ tháng 6/2020 và sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch kinh tế, thương mại gắn với sự chuyển đổi nền kinh tế số.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: V.A

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng còn hạn chế. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng tăng lên nhưng tốc độ còn chậm. Mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch truyền thống cũng tăng trưởng chậm so dự kiến, chủ yếu do xu hướng phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số, mạng lưới hoạt động vẫn còn phân bố chưa đồng đều trong cả nước.

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội còn khá khiêm tốn, đa số còn thực hiện dưới hình thức khá đơn giản. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng được tiếp cận tín dụng có sự gia tăng, tuy nhiên một bộ phận còn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Cũng theo bà Hòa, thanh toán không dùng tiền mặt mặc dù đã có những kết quả đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế ở các đối tượng người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tạo điều kiện cho cán bộ đã cử tham gia đầy đủ các hoạt động của Tổ Thường trực để hoàn thành và phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan, đơn vị mình theo những nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và phối hợp cung cấp các số liệu liên quan gửi NHNN để tổng hợp, xây dựng các báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược và các hoạt động liên quan về tài chính toàn diện.

Góp ý tại cuộc họp, ông Sầm Văn Hành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang cho biết, do điều kiện địa lý, dân cư gặp khó khăn nên việc triển khai, sử dụng các dịch vụ công qua ngân hàng còn hạn chế. Việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng chủ yếu tập trung ở thành phố và việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Ông Hành cho biết, thống kê đến ngày 31/12/2020, số lượng xã, phường, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính mới chỉ đạt 24/193 xã, chiếm tỷ lệ 12,4%. Đây là một khoảng trống rất lớn trong quá trình triển khai chiến lược tài chính toàn diện. Theo ông Hành, thói quen và tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân là rào cản. Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao cũng xuất hiện nhiều nên người dân cũng e ngại để tiền trong tài khoản ngân hàng.

Được biết, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây có thể xem là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội, và sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Nhận thấy tầm quan trọng của tài chính toàn diện và để chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các hoạt động liên quan tới tài chính toàn diện ở cấp độ quốc gia, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả và đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động về tài chính toàn diện, trong đó bao gồm việc triển khai Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện do Thủ tướng làm Trưởng ban, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) làm Phó trưởng Ban, với sự tham gia của 16 bộ ngành, cơ quan và giao NHNN thành lập Tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Minh Hoàng 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục