Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm việc với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

(Banker.vn) Sáng ngày 21/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã họp tổng kết với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Sáng ngày 21/11/2024, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã họp tổng kết với Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
 

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
 
Buổi làm việc có sự tham dự của ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn Điều IV của IMF đối với Việt Nam; ông Jochen Schmittmann - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, Lào và Campuchia; các cán bộ Đoàn Điều IV, cán bộ Văn phòng đại diện IMF tại Hà Nội và lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN.

Chia sẻ về công tác điều hành của NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, năm 2024, mặc dù bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường, nhưng Chính phủ và NHNN luôn theo dõi sát diễn biến quốc tế và trong nước để có các phản ứng chính sách kịp thời và phù hợp.

Theo đó, Việt Nam khả năng cao vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tích cực, dự kiến vượt 6,5%. Động lực chính đến từ xuất khẩu phục hồi, vốn FDI tăng trưởng ổn định và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai từ năm 2023. Đồng thời, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, góp phần giảm áp lực lạm phát nhập khẩu, lạm phát tổng thể Việt Nam dự kiến dao động trong mức mục tiêu. Về phía NHNN, trong năm 2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa, quản lý giá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã dành thời gian lắng nghe báo cáo đánh giá của Đoàn và đánh giá cao các khuyến nghị quan trọng của Đoàn đối với Việt Nam, qua đó góp phần giúp Việt Nam thực thi hiệu quả chính sách tài khoá - tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thống đốc đề nghị IMF tiếp tục duy trì các hoạt động đối thoại, tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô với Việt Nam trong thời gian tới đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía IMF và các đối tác quốc tế trong chặng đường đổi mới và phát triển theo hướng bền vững, xây dựng một ngân hàng trung ương hiện đại.

image

Ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn Điều IV của IMF đối với Việt Nam

Trước những khó khăn, thách thức mà NHNN gặp phải trong quá trình điều hành chính sách, ông Paulo Medas đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà NHNN đạt được thời gian qua trong việc kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhất thế giới năm 2024 nhờ động lực từ xuất khẩu, FDI và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt những thách thức lớn từ môi trường bên ngoài trong thời gian tới, như khả năng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, rất nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới thị trường tài chính và khiến Việt Nam có thể đối mặt nhiều rủi ro lớn hơn.

image

Các đại biểu tại buổi làm việc

Do đó, IMF khuyến nghị điều hành kinh tế vĩ mô cần đặt trọng tâm vào quản lý rủi ro trong thời gian tới. Ông Medas cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho NHNN và các Bộ, ngành liên quan về hiện đại hóa khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, củng cố tài khóa, ổn định hệ thống ngân hàng tài chính, phát triển thị trường vốn và các cải cách cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng cao trong trung hạn.

Trưởng đoàn Điều IV Việt Nam khẳng định IMF sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và NHNN trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới và sẽ tiếp tục hỗ trợ NHNN và các cơ quan quản lý trong việc tăng cường năng lực, tư vấn chính sách để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục