Chia sẻ về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đều trong trạng thái điều hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.
Với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế, NHNN đã điều hành đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho tổ chức tín dụng (TCTD), cho các doanh nghiệp. Thực tế trong 2 năm qua, hoạt động cung tiền của NHNN đã thể hiện sự hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng duy trì thanh khoản tốt trên hệ thống liên ngân hàng để hỗ trợ cho các TCTD.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Các thông tư trên cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, về bản chất đó là giúp các doanh nghiệp kéo dài dòng tiền, duy trì thanh khoản, với điều kiện các ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai. Các ngân hàng cũng đã thực hiện miễn, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và vay mới cho khách hàng. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh; hay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines.
Về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, năm nay, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, có điều chỉnh linh hoạt so với thực tế. Tính đến cuối tháng 11/2021, dư nợ tín dụng đã tăng hơn 10%, phù hợp với mục tiêu đề ra của cả năm. "NHNN sẵn sàng phát tín hiệu nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021", Phó Thống đốc cũng khẳng định.
Hình ảnh tại Diễn đàn
Về lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm 2020, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất điều hành vào tháng 3,9,11/2020. Sau 3 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất cho vay và huy động trên thị trường đã điều chỉnh giảm, cụ thể: lãi suất điều hành đã giảm 1,5%/năm, còn lãi suất huy động vốn cũng giảm khoảng 1,5%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 1,7%/năm so với đầu năm 2020.
Ngoài ra, 16 ngân hàng thương mại chiếm thị phần lớn trên thị trường cũng cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ tháng 7/2021 đến hết năm 2021. Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất.
Về phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã duy trì số lượng thanh khoản rất tốt trên thị trường, tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ. Hơn nữa, khi trái phiếu Chính phủ phát hành được, tiền thu về của Kho bạc Nhà nước cũng đã phối hợp rất tốt với NHNN trong việc điều tiết và kiểm soát tiền tệ.
Nói về dư địa của chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho biết, điều này còn phục thuộc vào những thách thức của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, lạm phát đang trở thành mối lo ngại trên toàn cầu, NHTW các nước đã bắt đầu thu hẹp lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo thống kê của NHNN, từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW, trong đó riêng từ tháng 9/2021 đến nay đã chứng kiến 50 lượt tăng lãi suất... Với diễn biến trên, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình để đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời.
Bên cạnh lạm phát, nợ xấu mới phát sinh cũng đang tạo ra thách thức cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Bởi lẽ, việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các TCTD, dẫn đến nguy cơ liên quan đến nợ xấu phát sinh. Phó Thống đốc cho biết, đây là vấn đề được NHNN rất quan tâm trong năm 2022 và những năm sau.
Từ những phân tích trên có thể thấy dư địa của chính sách tiền tệ còn rất hẹp. Phó Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nền kinh tế, cho nên việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng chỉ giảm đến mức còn đủ thu hút được người gửi tiền. Do vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN sẽ cân đối trong tương quan với lạm phát, tương quan với lợi ích của người gửi tiền.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế nói chung, các chủ thể trong nền kinh tế nói riêng. Về lãi suất, NHNN tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Trong điều kiện cho phép, NHNN có thể thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất ở mức độ phù hợp.
Dù còn nhiều thách thức nhưng Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho rằng, cơ hội cho hệ thống ngân hàng là có. Cụ thể, với những tín hiệu tích cực từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng thực hiện các đợt tăng vốn. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ có nhiều cơ hội để tăng tốc.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|