Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đã có những cơ chế mới cho điều hành tín dụng

(Banker.vn) Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ 1/1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%.

Chiều 5/1/2024, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên về những dự báo đối với thị trường tín dụng cho doanh nghiệp trong năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cách đây mấy ngày, NHNN đã tổ chức họp báo về hoạt động tín dụng của ngành cũng như định hướng trong năm 2024.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đã có những cơ chế mới cho điều hành tín dụng
Hình minh họa.


Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thống đốc NHNN đã chính thức báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 13,71%, như vậy khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2023.

"Chúng tôi cũng dự kiến cho năm 2024 tăng trưởng 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ được tăng thêm vào năm 2024 này," Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Đại diện NHNN cũng thông tin thêm, nếu như điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng cũng như sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN sẽ giao thêm hạn mức cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.

Chia sẻ với báo giới về những yếu tố thuận lợi năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, trước hết, qua tổng kết tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương sáng nay 6/1/2023 và đặc biệt là theo định hướng điều hành của Chính phủ, năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ có sự khởi sắc.

Và mong rằng sẽ không có tác động khó khăn của quốc tế với Việt Nam như năm 2023, thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên. Và tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó, ông Tú nói.

Thứ hai, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố như lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch nhiều. Thậm chí có chuyên gia đánh giá là trong khoảng 20 năm qua hay 10 năm qua, mức lãi suất cho vay là rất thấp. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.

Thứ ba, về cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các ngân hàng thương mại.

"Năm nay, chúng tôi đã có sự chủ động, đã có những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng, đã giao ngay từ trước ngày 1/01 vừa qua về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15% để các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt được chỉ tiêu đó.

Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm," lãnh đạo NHNN nói.

Đại diện NHNN kỳ vọng, với cơ chế, định hướng của Chính phủ cùng những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023.

Lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm thêm

Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm thêm vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và ...

Vì sao NHNN giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng ...

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán