Phó Chủ tịch UBCKNN: Thị trường phải minh bạch, việc nâng hạng chỉ là bước kỹ thuật

(Banker.vn) Tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết"sáng ngày 10/10, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu

Chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm thị trường Mới nổi do thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên.

Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, nâng hạng thị trường phải thể hiện quy mô, sự minh bạch của thị trường làm sao thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nâng hạng tức là đạt được chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. “Chúng ta làm theo chuẩn mực thông lệ quốc tế từ việc công bố thông tin, văn bản, nghị định, quy định về các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, niêm yết. Để được nâng hạng đòi hỏi chuẩn mực đó phải lên một mức độ cao hơn”, ông Phạm Hồng Sơn nói.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, thực trạng công bố thông tin hiện nay còn cách khá xa chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, các nhà đầu tư ngoại mong muốn các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng việc áp dụng không mấy dễ dàng. Đại diện UBCKNN cho biết, hiện các doanh nghiệp hiện được khuyến khích thực hiện, nhưng nếu đưa vào chế tài sẽ tạo áp lực lớn cho bản thân các doanh nghiệp. Cả doanh nghiệp niêm yết và cơ quan quản lý nhà nước đều cần phải có lộ trình để dần tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

“Tôi thấy nhu cầu hiện nay nếu các doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tự bản thân doanh nghiệp phải có công bố thông tin lên, rất khuyến khích”, Phó Chủ tịch UBCKNN nói về vai trò công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Vấn đề thứ hai được lãnh đạo UBCKNN đề cập là tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room). Hiện giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có rất nhiều ngành nghề trong đó ngành quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khác nhau, dẫn đến soi chiếu khó.

“Vấn đề nữa là room hết, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua thì làm thế nào, liệu chúng ta có nới room không? Vì với nhà đầu tư nước ngoài, họ đầu tư 10 tỷ USD không có nghĩa là tiền đổ hết về đây, họ sẽ lựa chọn những doanh nghiệp tốt”.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang là trở lại lớn nhất để nâng hạng thị trường. Theo ông Sơn, nhà đầu tư có thể yêu cầu mua chứng khoán T+2 thì đến T+2 mới nộp tiền, còn T+0 chỉ đặt cọc số lượng nhỏ, đây cũng không phải vấn đề lớn vì thông lệ quốc tế đã làm rồi. Tuy nhiên sẽ có rủi ro cho thị trường Việt Nam, đặc biệt khi mà nhiều nhà đầu tư không có tính kỷ luật.

“Ngày T+0 họ đặt cọc nhưng T+2 lại không có tiền trả tiếp thì lúc đó tính sao?”, ông Sơn đặt câu hỏi và cho rằng, để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng có những thách thức rất lớn đối với bản thân doanh nghiệp, với cơ quan quản lý, với sự đảm bảo toàn vẹn chống chịu rủi ro của thị trường.

Nói thêm, vị lãnh đạo UBCKNN cho biết, "vừa rồi chúng tôi tiếp cận với các NĐT nước ngoài, cơ bản họ rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam bởi còn nhiều điểm sáng và hấp dẫn để có thể tham gia đầu tư. Quan điểm chúng tôi là thị trường phải minh bạch, còn việc nâng hạng chỉ là một bước kỹ thuật, cái gốc của thị trường phải đảm bảo được khuôn khổ pháp lý, sửa đổi phù hợp hơn với sự phát triển chung của thị trường làm sao phát triển an toàn và bền vững".

Nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho chứng khoán Việt Nam

Tại hội thảo, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital cho biết, ước tính trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD.

Thị trường phải minh bạch, việc nâng hạng chỉ là bước kỹ thuật
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo.

Việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho chứng khoán Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90%, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại. Hiện tại, Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Tuy nhiên, có 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đặng Hồng Quang kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN cũng nhận định, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên Thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Dũng, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Giám đốc phân tích MSVN: VN-Index có thể lên 2.300 - 2.500 điểm nếu TTCK được nâng hạng

Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm ...

Cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rõ hơn trong năm 2024

Theo các chuyên gia của SSI Research, việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời ...

Cổ phiếu chứng khoán cùng nhóm VN30 sẽ hưởng lợi lớn khi KRX được triển khai

KBSV kỳ vọng việc triển khai hệ thống KRX mới có thể giúp cho giá trị giao dịch 1 phiên của VN-Index có thể tăng ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán