Phó Chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh thủ tục, “giấy phép con”

(Banker.vn) Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng, không ban hành giấy phép con Lo ngại sẽ xuất hiện "loại giấy phép con cực to" cản trở dòng chảy quy hoạch VCCI: Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản làm tăng “giấy phép con” và chưa thuận lợi cho doanh nghiệp

Đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật

Ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhiều vấn đề mới phát sinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua theo dõi, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức 17 phiên họp chuyên đề pháp luật bên cạnh các phiên họp thường kỳ, đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đều khẩn trương ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Đến ngày 23/8/2023, đối với 20 luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 đã có hiệu lực pháp luật và có nội dung giao quy định chi tiết, Chính phủ, các Bộ đã ban hành 39/50 văn bản quy định chi tiết, đạt tỷ lệ 78%.

Đối với các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 5 đã có hiệu lực pháp luật, Chính phủ đã ban hành 1 nghị định, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 4 thông tư quy định chi tiết thi hành đầy đủ các nội dung được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.

Các văn bản được ban hành về cơ bản đều bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần tích cực đưa luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”
Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV

Tính đến ngày 23/8/2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm.

Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng trước hết là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong một số trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời xác định, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Kinh phí bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết còn khó khăn; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật, công tác pháp chế ở một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết. Có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Tập trung chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6; tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Đồng thời, chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục