Phó Chủ tịch nước sẽ dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Uganda

(Banker.vn) Trong hai ngày 19 và 20/1/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Kampala, Uganda.
Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024 thảo luận nội dung gì? Bộ Ngoại giao thông tin về việc 3 người Việt trong container đông lạnh ở Ireland Yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 17/1, trong hai ngày 19 và 20/1/2024, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Kampala, Uganda.

Cụ thể, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Kampala, Uganda.

Phó Chủ tịch nước sẽ dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Uganda
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Ảnh VGP

Phong trào Không liên kết là một tập hợp lực lượng đặc biệt ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Từ 25 thành viên ban đầu, Phong trào Không liên kết đến nay là một tập hợp lực lượng rộng rãi gồm 120 thành viên (53 nước châu Phi, 26 nước châu Mỹ Latinh, 37 nước châu Á, 1 nước châu Âu, 3 nước châu Đại dương) ở tất cả các châu lục, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên Liên hợp quốc, khoảng 51% dân số thế giới; có 15 nước và 11 tổ chức quốc tế là quan sát viên; có vai trò và tiếng nói trên nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Các vấn đề quan tâm hiện nay của Phong trào Không liên kết là: Củng cố đoàn kết, bảo vệ các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp; đề cao hợp tác đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; Phong trào Không liên kết phải là đại diện có tiếng nói mạnh mẽ trên những vấn đề quan trọng như ngăn ngừa chạy đua vũ trang, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt; kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết quốc tế về tài chính để triển khai Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; xây dựng các hệ thống thương mại, tài chính đa phương mở, minh bạch; tăng cường hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam; cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an (HĐBA); kêu gọi dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt đơn phương đối với các nước thành viên của Phong trào Không liên kết.

Từ khi tham gia phong trào, Việt Nam luôn coi trọng Phong trào Không liên kết ; tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Việt Nam luôn coi việc tham gia vào Phong trào Không liên kết là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của ta. Việt Nam chủ trương tham gia và đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước Không liên kết, đang phát triển.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục