Phiên họp toàn thể lần thứ 26 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

(Banker.vn) Ngày 19/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 thẩm tra nhiều nội dung quan trọng dự kiến trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 37.
Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đồng chủ trì hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật Tháo gỡ dự án, đất đai trong kết luận thanh tra phải ‘đúng người, rõ việc’

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, để chuẩn bị nội dung phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đợt 2 - tháng 9/2024), thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 để thẩm tra 03 nhóm nội dung.

Phiên họp toàn thể lần thứ 26 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 26 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Cụ thể: Thứ nhất, thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ ba, thẩm tra đề nghị bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đồng thời, thẩm tra một số nội dung khác theo thẩm quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, theo chương trình làm việc, sáng 19/9, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Việc xây dựng và ban hành các dự thảo Nghị quyết liên tịch nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện; kịp thời đáp ứng những yêu cầu đề ra bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các nội dung trình đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng; hồ sơ/tài liệu được gửi tới các thành viên Ủy ban.

Do đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào những nội dung trọng tâm, thể hiện rõ quan điểm/chính kiến để đảm bảo hiệu quả chương trình, nội dung phiên họp đề ra. Thông tin, kết quả tại phiên họp sẽ là cơ sở để Ủy ban Pháp luật hoàn thiện các báo cáo thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt 2 - phiên họp thứ 37 tới đây.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương