Phiên họp thường kỳ Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế

(Banker.vn) Ngày 2/7, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tổ chức phiên họp Thống đốc thường kỳ theo hình thức trực tuyến. Nội dung chính của phiên họp lần này là thảo luận về Báo cáo khảo sát các hoạt động thời kỳ sau đại dịch COVID-19 ở các Ngân hàng Trung ương (NHTW).

Báo cáo khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thực hiện nhằm đánh giá việc giãn cách và chế độ làm việc từ xa đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các NHTW trong thời kỳ sau đại dịch.

Báo cáo có nhiều thông tin hữu ích liên quan đến cách thức làm việc sau đại dịch ở các NHTW. Báo cáo đã ghi nhận, đánh giá các biện pháp và hành động do các NHTW áp dụng, trong đó tập trung chủ yếu vào cách thức làm việc từ xa.

Theo báo cáo đại dịch COVID-19 đã định hình lại đáng kể cách thức làm việc của các cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực và trên toàn cầu. Nhiều nước hiện đang cân nhắc về việc thay đổi cách thức làm việc kể từ khi chuyển sang chế độ làm việc từ xa hơn một năm trước. Đồng thời, các cán bộ, nhân viên cũng đòi hỏi một sự rõ ràng về môi trường làm việc trong tương lai của họ với những kỳ vọng nhất định cho phép tiếp tục linh hoạt làm việc từ xa.

Báo cáo đánh giá, đến nay, khoảng 2/3 cán bộ, nhân viên NHTW tham gia khảo sát đủ điều kiện làm việc từ xa sau đại dịch, với thời gian làm việc từ xa được phép từ 1 - 4 ngày/tuần (trung bình khoảng 1/2 thời gian làm việc). Trong khi đó, trước đại dịch, chỉ khoảng 1/3 số cán bộ, nhân viên là đủ điều kiện và làm việc từ xa bị giới hạn trung bình chỉ trong 1 ngày.

Để đáp ứng những thách thức của làm việc từ xa và tương tác ảo, đại dịch đã thúc đẩy các cơ quan, tổ chức trên toàn cầu tăng cường phát triển kỹ năng và công nghệ. Đầu tư vào công nghệ dự kiến sẽ tăng lên với việc các NHTW thành viên đầu tư trung bình nhiều hơn 25% so với trước đại dịch.

Các lĩnh vực trọng tâm sẽ bao gồm các cuộc họp ảo, công cụ hợp tác ảo và cơ sở hạ tầng đám mây. Việc đầu tư vào mặt bằng và cơ sở vật chất hoặc chi phí nhân sự dự kiến ít có thay đổi. Trong thời kỳ đại dịch, cách thức làm việc mới đã ảnh hưởng đến phúc lợi của cán bộ, nhân viên và hiệu quả hợp tác nội bộ cũng như đối ngoại đối với nhiều cơ quan, tổ chức trên toàn cầu.

Đánh giá chung, những cơ quan tham gia khảo sát phản ánh rằng trước cuộc khủng hoảng họ đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc có mặt trực tiếp. Kinh nghiệm từ các công cụ và cách thức làm việc mới trong năm qua cho thấy hầu hết các cuộc họp và trao đổi có thể được quản lý hiệu quả bằng công nghệ ảo.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc trực tiếp có mặt là cần thiết, không chỉ đối với một số loại hình cuộc họp mà nói chung để duy trì văn hóa tổ chức và tạo cảm giác gắn kết. Khi các thành viên chuyển đổi từ môi trường hoàn toàn ảo sang cân đối giữa làm việc tại chỗ và làm việc từ xa, dự kiến sẽ có nhiều lợi ích về mức độ hấp dẫn của nhà tuyển dụng, phúc lợi của cán bộ nhân viên và hợp tác.

Tại phiên họp, đại diện NHTW các nước thành viên đã chia sẻ và thảo luận sôi nổi về cách thức và hiệu quả làm việc từ xa ở quốc gia mình. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa hoàn toàn được kiểm soát, thì chế độ làm việc từ xa vẫn là một trong các cách thức làm việc phổ biến trong thời gian tới. Do đó, các quốc gia cần tập trung hoàn thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc chuyên môn.

TH

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ