Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

(Banker.vn) Chiều ngày 30/11/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; các thành viên Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu tại phiên họp.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN tham dự phiên họp tại điểm cầu tại trụ sở NHNN.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 xác định, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, phiên họp đầu tiên của Ủy ban hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đây là minh chứng thể hiện cho sự quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia, Bộ trưởng, Trưởng ngành cho ý kiến cụ thể, chỉ ra những kết quả đạt được; những tồn tại và hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đặt ra 53 chỉ tiêu định lượng đến năm 2025.

Năm 2022 có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai, trong đó có phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổ số và phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử...

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân và doanh nghiệp, có tác động lan toả đến công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia. Thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.

Về kết quả đạt được, trong bảng xếp hạng DTI năm 2020, NHNN đứng vị trí số 2, trong đó xếp hàng chỉ số kiến tạo thể chế xếp thứ nhất. Kết quả này cho thấy ngành Ngân hàng rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đến nay có 95 ngân hàng đã và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số. Qua số liệu thống kê của 10 NHTM lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động chuyển đổi số chiếm 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động cho thấy đầu tư khá lớn.

Công nghệ được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như: Thanh toán, nhận tiền gửi, cấp tín dụng. Thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm. Các dịch vụ như: mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm… cơ bản đều được ngân hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Nhiều ngân hàng đạt tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Năm 2021, các ngân hàng Việt Nam được MKensey đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

Hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Đáng chú ý, NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, xác thực mở tài khoản cho khách hàng mà không phải đến ngân hàng (eKyc). Từ tháng 3/2021 đến nay đã có 20 ngân hàng thực hiện với gần 2 triệu tài khoản thanh toán và trên 4,6 triệu lượt giao dịch. Trong bối cảnh Covid-19 vừa qua, thanh toán trên môi trường số càng được phát triển.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng Việt Nam rất tích cực tham gia vào thanh toán qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và đã chỉ đạo các TCTD, các trung gian thanh toán kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính tới nay, đã có 45,7 nghìn giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong dự thảo chương trình kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 2 nội dung liên quan đến hệ thống ngân hàng.

Đối với nội dung thứ nhất là Dự thảo Nghị định về sandbox, Thống đốc cho biết, hiện NHNN đang dự thảo và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành.

Với nội dung thứ hai là trong năm 2022, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số, phấn đấu đạt 80% trường học, bệnh viện thanh toán không dùng tiền mặt. Thống đốc cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2022 nếu chỉ một mình NHNN khó có thể thực hiện được mà đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và cả UBND các tỉnh, thành phố. Vì trên thực tế các trường Đại học trực thuộc Bộ nhưng nhiều trường lại trực thuộc địa phương, tương tự đối với lĩnh vực y tế....

Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp và cho phép các TCTD trong hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu để khai thác dữ liệu về căn cước công dân.

Bên cạnh đó, NHNN đề nghị các Bộ, Ngành phối hợp với NHNN rà soát, nghiên cứu và xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về giao dịch điên tử, xác thực điện tử, chứng từ kế toán… trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, thương mại điện tử…; Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuyển hoá dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực để tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa hệ thống thông tin của các ngân hàng với các thông tin, dữ liệu của các lĩnh vực khác. Vì hoạt động ngân hàng, đặc biệt là cấp tín dụng cần phải tín nhiệm, xác thực, chứng minh được khả năng trả nợ của người dân. Tất cả các thông tin, dữ liệu từ các lĩnh vực khác để chứng tỏ khách hàng có tín nhiệm, có quy mô hoạt động thì điều kiện này rất quan trọng.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự phiên họp tại điểm cầu NHNN

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, xuất phát từ thực tiễn, cơ sở thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu.

Triển khai chương trình phát triển công dân số. Khi xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thì phải có công dân số phát triển tương ứng và hài hòa với các trụ cột này.

Tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương, bộ, ngành và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Về kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, để tạo bước đột phá, xuất phát từ quan điểm chỉ đạo thống nhất, hướng đến nhận thức và hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý để có nguồn lực thúc đẩy và triển khai hiệu quả.

Trước đó, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1964/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng là Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục