Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4: Tập trung các giải pháp căn cơ, lâu dài, trọng tâm, trọng điểm

(Banker.vn) Sáng 4/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 Chính phủ họp thường kỳ tháng 2/2024: Làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3

Phiên họp tập trung đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Các báo cáo tại phiên họp cho thấy, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu "tác động kép" của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài; trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu, khả năng cạnh tranh hạn chế.

Vượt qua khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4: Tập trung các giải pháp căn cơ, lâu dài, trọng tâm, trọng điểm
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; đảm bảo cung cấp điện, nhất là trong dịp nắng nóng vừa qua; đầu tư phát triển tiếp tục được thúc đẩy (kể cả đầu tư trong nước và thu hút FDI); các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, nhất là dịp lễ; đời sống người dân tiếp tục được nâng lên; an sinh xã hội được bảo đảm, không để thiếu lương thực, thực phẩm, kể cả trong dịp giáp hạt; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; an ninh quốc phòng được tăng cường; đối ngoại được mở rộng. Các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá khả quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình thời gian qua, chỉ rõ những kết quả, thành tựu đạt được, các tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra các bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chất căn cơ, lâu dài, vừa có giải pháp tình thế, trước mắt, tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng gợi mở một số bài học kinh nghiệm, như phải luôn bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng, gồm việc chuẩn bị hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội, các công việc đột xuất, như ứng phó với tình hình hạn hán, thiên tai…

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục