Phiên giao dịch ngày 8/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 8/11/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Phiên giao dịch ngày 7/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 140.200/cp

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) công bố doanh thu Q3/22 tăng trưởng 31,2% svck lên 24.319 tỷ đồng nhờ giá dầu tăng (dầu Brent: +33% svck) và sản lượng tiêu thụ khí khô phục hồi (+12% svck từ mức thấp trong Q3/21). Chi phí bán hàng & QLDN tăng 29,6% svck lên 814 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng 53% svck do lỗ chênh lệch tỷ giá cao hơn, dẫn đến LN tài chính thuần Q3/22 giảm 14,3% svck xuống 254 tỷ đồng. Kết quả, LN ròng Q3/22 tăng 25,3% svck lên 3.029 tỷ đồng. Trong 9T22, DT của GAS tăng 33,8% svck lên 78.672 tỷ đồng và LN ròng tăng 72,1% svck lên 11.544 tỷ đồng, hoàn thành 81,4% dự phóng năm 2022 của VND.

Phiên giao dịch ngày 8/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

VND Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu GAS với giá mục tiêu 140.200/cp. Hình minh họa

Tiến độ kho cảng LNG Thị Vải có thể bị trì hoãn do giá LNG tăng cao: Dù dự kiến hoàn thành xây dựng trong Q4/22, VND cho rằng hoạt động của kho cảng LNG Thị Vải có thể bị trì hoãn do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Giá LNG cao có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tiến độ của các nhà máy điện NT3&4 (khách hàng chính của kho cảng LNG Thị Vải). Do đó, VND kỳ vọng GAS có thể bắt đầu cung cấp LNG từ nửa cuối năm 2023 thay vì cuối năm nay. Nhìn chung, VND dự báo sản lượng khí khô của GAS năm 2022 sẽ phục hồi 9,9% svck từ mức thấp của năm 2021, sau đó đạt tốc độ tăng trưởng kép là 7,2% trong năm 2023-24.

Rủi ro thấp đối với đà tăng lãi suất và biến động tỷ giá: GAS là một trong những DN giàu tiền mặt nhất TTCK với số dư tiền mặt ròng 27.017 tỷ đồng vào cuối Q3/22. VND ước tính rằng khi lãi suất tăng mỗi 1%, GAS có thể ghi nhận thêm 224 tỷ đồng LN tài chính thuần, tương đương 1,2% LNTT. Do đó, VND cho rằng môi trường lãi suất tăng có thể đem lại lợi ích cho GAS trong ngắn hạn, hỗ trợ cho KQKD của công ty. Hơn nữa, việc giá bán khí được tính theo đồng USD có thể giúp GAS bù đắp hoàn toàn cho khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ vốn lưu động bằng USD.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 140.200. VND điều chỉnh dự phóng EPS 2023-24 giảm nhẹ 2,6%/2,4% do giả định sản lượng khí khô thấp hơn và LN tài chính thuần cao hơn. Theo đó, giá mục tiêu của VND giảm 6,9% xuống 140.200 đồng do: (1) giảm dự phóng EPS 2023-24, (2) lãi suất phi rủi ro tăng từ 3% lên 4%, và (3) chuyển mô hình định giá DCF sang cuối năm 2022. Nhìn chung, VND vẫn cho rằng GAS là một lựa chọn đầu tư tốt nhờ vào tình hình tài chính vững mạnh và môi trường giá dầu cao. Rủi ro giảm là sản lượng khí khô cũng như giá dầu thấp hơn dự kiến.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu BVH

VND đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt với giá mục tiêu là 76.000 đồng/cp, dựa trên P/B năm 2023 là 2,5 lần. Với vị thế là công ty bảo hiểm (BH) hàng đầu trên cả thị trường nhân thọ (NT) và phi nhân thọ (PNT), BVH sẽ dễ dàng nắm bắt được cơ hội gia tăng lợi nhuận từ việc lãi suất tăng trong ngắn hạn cũng như tiềm năng tăng trưởng to lớn của ngành BH trong dài hạn. VND kỳ vọng BVH sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 40% trong 2 năm tới và cải thiện ROE lên khoảng 12-15%.

Một trong những DN được hưởng lợi nhiều nhất khi lãi suất tăng: Bảo Việt là công ty bảo hiểm (BH) duy nhất trên sàn chứng khoán hoạt động ở cả 2 mảng NT và PNT. Nhờ đó, trong môi trường lãi suất tăng, BVH sẽ không chỉ hưởng lợi từ việc cải thiện hiệu quả đầu tư tài chính như các công ty thuần PNT mà BVH sẽ còn hưởng lợi từ việc chi phí dự phòng ở mảng NT được giảm thiểu. Cụ thể, việc lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng sẽ kéo lãi suất chiết khấu tăng theo và chi phí dự phòng giảm. Hiện lãi suất TPCP 10 và 15 năm trên thị trường sơ cấp đã tăng khoảng 180-190 điểm cơ bản từ đầu năm nay.

Vĩ mô thuận lợi sẽ giúp ngành BH tăng trưởng bền vững trong dài hạn: Tỷ lệ thâm nhập BH NT và PNT ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp và cho thấy tiềm năng tăng trưởng rộng mở của ngành ở phía trước. VND nhận thấy một loạt các yếu tố vĩ mô thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nhu cầu bảo hiểm trong dài hạn, bao gồm tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở mức cao, già hóa dân số nhanh, tiến bộ trong nền giáo dục, sự phát triển của thị trường tài chính, và đầu tư nước ngoài.

Định giá hấp dẫn: BVH đang giao dịch ở mức P/B 1,7 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm là 2,1 lần. VND tin rằng đợt giảm giá vừa qua đã tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư để tích lũy cổ phiếu của một công ty BH đầu ngành với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ rệt và rào cản gia nhập ngành lớn. Tiềm năng tăng giá bao gồm (i) tỷ lệ kết hợp PNT thấp hơn dự kiến, (ii) khả năng tăng vốn từ phát hành riêng lẻ. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) chậm trễ trong việc ra mắt sản phẩm BH liên kết đơn vị, (ii) tổn thất có tính thảm họa ở mảng phi nhân thọ.

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 với mức tăng giá tiềm năng là 23%

Trong 9 tháng kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 6.863 tỷ đồng (+52% YoY) và LNST tăng vọt lên 723,6 tỷ đồng (+75% YoY), hoàn thành lần lượt 85% và 78% con số dự báo của PHS cho năm 2022. Sự tăng trưởng đột biến về kết quả hoạt động xuất phát từ những điều kiện thuận lợi chưa từng có khi nhiệt điện than đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đầu vào trên toàn quốc và mức giá cao của than trên toàn cầu, do đó, khiến cho nhu cầu về điện khí tăng cao để duy trì sự ổn định cho nguồn điện.

PHS kỳ vọng Doanh thu thuần của công ty sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2023. Theo đó, Doanh thu thuần có thể đạt 8.745 tỷ đồng (+8% YoY) và LNST có thể tăng nhẹ lên 957 tỷ đồng (+3% YoY). Kể từ 2022Q1, Biên lợi nhuận gộp đã phục hồi nhanh chóng nhờ mức giá bán cao trong bối cảnh cả nước đang thiếu than cho sản xuất nhiệt điện than.

Ngoài ra, Biên lợi nhuận ròng cũng được củng cố nhờ chi phí lãi vay ở mức khiêm tốn, do tổng nợ vay giảm đáng kể qua trong các giai đoạn vừa qua (tỷ số Nợ/Vốn chủ sở hữu là gần 14% tại ngày 30 tháng 9 năm 2022). PHS kỳ vọng Biên lợi nhuận gộp và Biên lợi nhuận ròng sẽ được ổn định lần lượt ở mức 14% và 11% trong năm tài chính 2022 và 2023.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Doanh thu và lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và đà tăng này có thể tiếp tục trong năm 2023, chủ yếu là do việc chuyển sang nhiệt điện khí để bù đắp tình hình than thiếu hụt và giá than tăng cao. Do đó, PHS kỳ vọng sản lượng điện của công ty năm 2023F sẽ lớn hơn 13,7% so với con số ước tính cho năm 2022F và 36,5% so với năm 2021, trong khi giá bán có thể giảm nhẹ 5% so với 2022F. (2) Công ty đang tăng tốc giảm nợ và củng cố hoạt động kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Điều này cho phép công ty đảm bảo lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong tương lai.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 31.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị MUA với mức tăng giá tiềm năng là 23%. Trong định giá này, PHS nâng lãi suất phi rủi ro tính đến thời điểm hiện tại lên 5% (từ mức 3,5%) để dự tính các động thái sắp tới của lãi suất trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt.

Rủi ro: (1) Biến động bất lợi của giá khí tự nhiên; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (3) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục