Phiên giao dịch ngày 4/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho các phiên giao dịch sắp tới, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Phiên giao dịch ngày 3/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Phiên giao dịch ngày 4/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Công ty chứng khoán VNDIRECT (VND)

Duy trì khuyến nghị khả quan ACV với giá mục tiêu 117.900 đồng/cp

Doanh thu quý III/22 của ACV tăng 10,3 lần svck nhờ hàng không nội địa hồi phục mạnh mẽ với sản lượng khách nội địa quý III/2022 tăng 87 lần so với cùng kỳ – bằng 154,7% mức trước dịch. Nhờ hoạt động cốt lõi phục hồi mạnh, ACV ghi nhận 2.380 tỷ lợi nhuận gộp so với 1.004 tỷ lỗ gộp quý III/2021. Doanh thu tài chính quý III/2022 tăng 97,8% so với cùng kỳ nhờ lãi tỷ giá 471 tỷ (so với 16 tỷ trong quý III/2221). Kết quả là ACV ghi nhận 2.118 tỷ lợi nhuận ròng trong quý III/22 so với lỗ ròng 767 tỷ trong qúy III/21. So sánh với quý trước, lợi nhuận ròng quý III/2022 giảm 10,9% do lãi tỷ giá thấp hơn. Loại đi khoản thu nhập tài chính bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi quý III/2022 tăng 44% so với quý trước, cho thấy hoạt động cốt lõi của ACV đang trên đà hồi phục mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng ACV tăng 30 lần so với cùng kỳ, cao hơn kỳ vọng của chúng tôi do lãi tỷ giá cao và hoàn thành 99,8% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ Q2/23. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong Q2/23 và 105,3% trong Q4/23 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% svck trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% svck trong 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan cho ACV với giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 117.900 đ/cp (+3,4% so với báo cáo trước) do (1) chúng tôi chuyển mô hình dự phóng DCF sang cuối 2022, và (2) chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng EPS 2022 thêm 29,0% nhờ hàng không nội địa phục hồi mạnh nhưng giảm dự phóng EPS 2023-24 thêm 3,3%-6,0% do bất ổn từ chính sách zeroCovid của Trung Quốc và lãi suất cùng tỷ giá đồng USD tăng cao. Tiềm năng tăng giá gồm (1) hàng không quốc tế hồi phục mạnh mẽ, (2) kế hoạch chia cổ tức được thông qua. Rủi ro tăng giá gồm kế hoạch niêm yết trên HSX được thông qua. Rủi ro giảm giá gồm (1) bất ổn từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc, (2) đồng Yên mạnh hơn dự kiến, (3) đồng USD và lãi suất USD tăng cao hơn dự kiến, và (4) xây dựng sân bay Long Thành bị chậm tiến độ.

Duy trì khuyến nghị khả quan ACB với giá mục tiêu thấp hơn là 30.000đ/cp

ACB được biết đến là một ngân hàng với chiến lược “thận trọng” khi không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong danh mục tín dụng và tỷ lệ cho vay bất động sản không đáng kể. Do đó, ít nhất ACB sẽ không bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường TPDN và bất động sản. Tuy nhiên, tăng trưởng LN ròng sẽ chậm lại trong năm 2023-24 do những rào cản nói trên của toàn ngành và chỉ tăng khiêm tốn 10% svck trong 2023-24, do (1) tăng trưởng cho vay chậm lại; (2) NIM thu hẹp; (3) tăng trích lập dự phòng để đề phòng rủi ro nợ xấu.

Chúng tôi điều chỉnh P/B mục tiêu xuống 1,4 lần từ mức 2 lần trước đó để phản ánh các khó khăn trong ngành; cộng với phương pháp định giá thu nhập thặng dự (COE: 15%, LTG: 3%), giá mục tiêu cho ACB sẽ là 30.000đ/cp (-10% từ giá mục tiêu trước). Chúng tôi vẫn ưa thích ACB dựa vào (i) mô hình tập trung vào danh mục bán lẻ, phù hợp với xu hướng ngân hàng bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam; (ii) khả năng bán chéo sản phẩm và tăng thu nhập từ phí dựa trên tệp khách hàng lớn sẵn có; và (iii) chất lượng tài sản lành mạnh. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lãi suất tăng cao hơn dự kiến và (ii) nợ xấu tăng cao so với dự kiến

Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS)

Khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá 45.700 đồng/cổ phiếu

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đạt 1.681 tỷ đồng (tăng 9.1% so với cùng kỳ), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2022, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ còn 197,4 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), chiến lược phát triển sợi tái chế tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho STK. Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế.

Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho công ty.

PHS cho rằng, dự án liên minh Sợi – Vải – May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP. STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022. CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước.

Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai. Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36,000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24,000 tấn/năm).

Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.

Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may toàn cầu, PHS ước tính doanh thu thuần của STK năm 2023 sẽ đạt 2,252 tỷ đồng, không tăng so với năm 2022. PHS cho rằng áp lực lạm phát tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ và chi phí lãi vay của công ty trong năm 2023, qua đó ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 239 tỷ đồng (giảm 1,4% so với cùng kỳ).

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) và EV/EBITDA, PHS xác định mức giá hợp lý đối với STK là 45.700 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục