Phiên giao dịch ngày 30/8/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 30/8/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Hạn chế mua mới cổ phiếu IDC ở vùng giá hiện tại

Mức Stock Rating của IDC (Tổng Công ty IDICO – CTCP - Sàn HNX) ở mức 91 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Quý 2/2022 cũng là quý ghi nhận tăng trưởng rất tích cực của IDC với mức tăng trưởng doanh thu và LNST lần lượt là 162% và 515% nhờ giá cho thuê tăng 18% trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, với lợi thế là phần lớn diện tích đất đã được đền bù giải tỏa tại KCN Phú Mỹ II và Hựu Thạnh đã giúp IDC cải thiện biên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, việc hồi tố 1 lần KCN Nhơn Trạch V và việc thay đổi cách hạch toán KCN Phú Mỹ II và Hựu Thạnh cũng giúp lợi nhuận quý 2 tăng mạnh.

Phiên giao dịch ngày 30/8/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
Hạn chế mua mới cổ phiếu IDC ở vùng giá hiện tại. Hình minh họa

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo tín hiệu mua vào phiên 29/06/2022 với lợi nhuận tạm tính là 38,88%. Đồng thời, đồ thị giá hình thành mô hình đảo chiều giảm Bearish Bat cho thấy rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng và đồ thị giá khó có thể vượt được vùng kháng cự 72.21. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên NẮM GIỮ và hạn chế mua mới ở vùng giá hiện tại.

Công ty chứng khoán BOS - BOS

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu AST với giá mục tiêu 67.500 đồng/cp

Doanh thu của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE - Mã: AST) đã phục hồi 3 quý liên tiếp kể từ đại dịch. Doanh thu quý 2/2022 đã đạt 68,5% so với thời điểm quý 1/2020, trước khi đại dịch bùng phát.

Trong quý 2/2022, AST ghi nhận Lợi nhuận dương trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với biên gộp hồi phục lại mức trước dịch. Theo cập nhật của BOS, sau tháng 7, AST đã bù đắp được toàn bộ khoản lỗ từ đầu năm 2022. Lượng khách hàng không đã hồi phục mạnh về mức trước dịch mặc dù thị trường quốc tế hồi phục chậm hơn nhưng cũng có dấu hiệu dần khởi sắc.

Đầu tháng 7, AST đã mua lại 51% cổ phần của CTCP Dịch vụ Hà Linh và vừa đấu thầu thành công 4 điểm kinh doanh mới tại sân bay Tân Sơn Nhất, nâng tổng số điểm kinh doanh AST lên 115 điểm. AST hiện đã mở trở lại 80% các điểm kinh doanh, trong đó, các cửa hàng khu vực quốc nội đã mở lại hoàn toàn trong khi khu vực quốc tế đã mở trở lại 60%.

Nhà máy VinaCS tại Sân bay Nội Bài đã hoạt động trở lại với hiệu suất hoạt động 80% công suất thiết kế (12.000 suất ăn/ngày). Nhà máy tại Cam Ranh hiện chưa khởi động lại do nhu cầu còn thấp và đang chờ khách du lịch như Nga, Trung Quốc quay trở lại

Rủi ro đầu tư: Dịch covid19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, số ca mắc mới tăng trở lại trong thời gian gần đây có thể là rủi ro đáng quan tâm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch Đậu mùa khỉ tại các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài cùng việc kiểm soát dịch Covid chặt chẽ tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng khách du lịch quốc tế.

Giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí bay lớn, khiến các hãng hàng không đang đề xuất bỏ mức giá trần đối với vé bay trong nước. Nếu đề xuất này được thông qua, vé máy bay giá cao sẽ là rào cản đối với nhu cầu du lịch.

Với kịch bản dịch Covid không bùng phát trở lại, BOS ước tính AST sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 27 tỷ đồng, doanh thu 617 tỷ đồng, tăng 300% yoy. BOS đưa ra khuyến nghị nắm giữ AST với giá mục tiêu 67.500đ/cp.

Công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS

Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 58.600 đồng/cp

Về dài hạn, VCBS đánh giá cao triển vọng tăng trưởng ổn định của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE - Mã: HDG) nhờ quỹ đất giá trị, nhu cầu nguồn điện lớn và hiệu quả đầu tư đã được công nhận tại các dự án. Tuy vậy, trong giai đoạn 1 năm tới HDG có thể gặp giới hạn nhất định về mức tăng trưởng khi các dự án mới đã phản ánh khá đầy đủ vào KQKD, trong khi cần thêm thời gian để HDG triển khai các dự án điện gió mới và mở bán các dự án bất động sản.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của HDG đạt 3.585 tỷ đồng (-5,1% yoy), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.217 tỷ đồng (+11,0% yoy), tương ứng với EPS là 5.519 đồng/ cổ phiếu. VCBS đưa ra khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu HDG với mức định giá hợp lý là 58.627 đồng/ cổ phiếu.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PVD với giá mục tiêu 25.300 đồng/cp

Doanh thu (DT) Q2/22 của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE - Mã: PVD) tăng trưởng 36,3% svck đạt 1.505 tỷ đồng nhờ: (1) hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng (JU) cao (97% trong Q2/22) và ghi nhận DT từ giàn khoan thuê ngoài, (2) đóng góp DT từ giàn khoan TAD, và (3) mảng dịch vụ giếng khoan tăng trưởng tốt (+28,6% svck).

Tuy nhiên, mảng khoan của PVD vẫn ghi nhận lỗ gộp 38,8 tỷ đồng do việc giá thuê giàn JU phục hồi chậm đã không đủ bù đắp chi phí của đội giàn khoan. Trong khi đó, chi phí tài chính Q2/22 tăng 84% svck do lỗ chênh lệch tỷ giá và thu nhập từ công ty liên kết giảm 61% svck. Kết quả, PVD báo lỗ ròng 60,1 tỷ đồng trong Q2/22, dẫn đến khoản lỗ ròng 116,2 tỷ đồng trong 6T22.

Theo dữ liệu của IHS Markit, giá thuê trung bình giàn JU loại 361-400IC ở Đông Nam Á (ĐNÁ) đang phục hồi mạnh mẽ lên ~90.000 USD/ngày, cao hơn nhiều so với mức giá thuê trung bình của PVD trong 6T22. Trong khi PVD I & PVD III đã ký hợp đồng (HĐ) dài hạn từ giữa năm 2021 khi giá thuê giàn vẫn ở mức thấp, VND cho rằng PVD sẽ có được các HĐ khoan trong nửa cuối năm với giá thuê cao hơn cho giàn PVD II & PVD VI. Do đó, VND kỳ vọng giá thuê trung bình giàn JU năm 2022 sẽ đạt 61.000 USD (+17% svck). Nhìn chung, VND kỳ vọng LN ròng năm 2022 của PVD đạt 96 tỷ đồng (+388% svck). VND dự báo triển vọng năm 2023 sẽ được cải thiện hơn nữa và PVD sẽ đạt LN ròng 571 tỷ đồng (+498% svck) trong năm tới, chủ yếu được đóng góp bởi giả định giá thuê giàn cao hơn là 70.000 USD (+15% svck).

Do KQKD thấp hơn kỳ vọng trong 6T22, VND giảm dự phóng EPS 2022 xuống 71,9% để phản ánh giả định hiệu suất sử dụng và giá thuê giàn JU thấp hơn và chi phí khấu hao cho đội giàn khoan cao hơn. Vừa qua, giá cổ phiếu PVD đã tăng ~ 38% kể từ đầu tháng 8 dù KQKD 6T22 ảm đạm. VND nhận thấy các yếu tố thúc đẩy giá đến từ: (1) TT khoan ĐNÁ đang phục hồi mạnh mẽ cả về hiệu suất sử dụng và giá thuê, và (2) những chuyển biến mới tại dự án Lô B – Ô Môn.

VND cho rằng những yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn, do đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với PVD nhưng hạ giá mục tiêu xuống 25.300 đồng/cp do việc điều chỉnh giảm dự phóng EPS 2022. Rủi ro giảm giá bao gồm chi phí hoạt động cao hơn dự kiến và hiệu suất sử dụng/giá thuê ngày thấp hơn dự kiến

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thị trường "rẻ" không có nghĩa là nên mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là khá “rẻ”, tuy nhiên “rẻ” không có nghĩa là nên mua cổ phiếu ở ...

Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho TPBank

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích ...

Nguy to cho cổ phiếu thép?

Nhiều cổ phiếu thép có mức tăng giá vượt trội so với thị trường chung trong đợt hồi phục 2 tháng qua. Lý do tăng ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán