Phiên giao dịch ngày 3/2/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 3/2/2023, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu DGW

Công ty CP Thế Giới Số (HOSE: DGW) công bố KQKD Q4/2022 kém khả quan: Doanh thu thuần giảm mạnh 32,8% q/q xuống 4.075 tỷ (-48,6% y/y), trong khi lợi nhuận ròng giảm 13,6% q/q, đạt 155,8 tỷ (-52,4% y/y so với nền cao), thấp hơn 22% so với dự báo của BVSC là 200 tỷ (- 38,8% y/y).

Lũy kế 2022, DT thuần và lợi nhuận ròng của DGW đạt 22.059 tỷ (+5,2% y/y) và 636,6 tỷ (+3,9% y/y), hoàn thành 96%/ 94% dự báo tương ứng cho FY22 của BVSC.

Phiên giao dịch ngày 3/2/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý
BVSC duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DGW. Hình minh họa

Tương tự như những gì BVSC đã thấy ở các nhà bán lẻ ICT, doanh thu ICT của DGW cũng giảm mạnh trong Q4/2022 ở các phân khúc, mà BVSC cho là do: Nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu (điện thoại di động, laptop và máy tính bảng, và điện tử tiêu dùng) suy giảm do điều kiện vĩ mô khó khăn hơn; Đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là thiếu hụt nguồn cung iPhone 14 ngay trong giai đoạn đầu chu kỳ; Nỗ lực giảm tồn kho của các nhà bán lẻ trong bối cảnh môi trường bán hàng giảm tốc.

Ngược lại, phân khúc hàng tiêu dùng là điểm sáng trong Q4 với doanh thu tăng mạnh 42,7% q/q lên 137 tỷ (+47,3% y/y), dường như đã có những tác động hạn chế, dù đóng góp vẫn ở mức khiêm tốn (3,7% doanh thu thuần Q4/2022).

Biên lợi nhuận hoạt động của DGW trong Q4/2022 mở rộng lên mức cao kỷ lục 5,1% so với 3,0-3,6% trong Q1-Q3/2022, là một bất ngờ tích cực. Điều này được hỗ trợ bởi BLN gộp mở rộng mạnh mẽ lên 11,5%, hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung iPhone trong giai đoạn đầu của iPhone 14 cho phép DGW hưởng mức biên lợi nhuận cao hơn và cơ cấu bán hàng được cải thiện (đóng góp từ laptop và điện thoại giảm).

Trong Q4, DGW ghi nhận khoản lỗ tài chính ròng 5,6 tỷ so với các khoản lãi liên tục từ Q3/2019. Trong khi thu nhập tài chính đi ngang y/y, chi phí tài chính tăng mạnh 237,9% y/y lên 73,5 tỷ (+143,7% q/q), gây ra lỗ tài chính ròng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 246,4% y/y lên 41,6 tỷ và lỗ tỷ giá tăng vọt lên 36,5 tỷ (+337,0% y/y).

Ở mức giá hiện tại, DGW đang giao dịch tại P/E 10,6x (cuối 2023), so với trung bình 5 năm là 12,6x. Theo BVSC, triển vọng ngắn hạn vẫn khó khăn do nhu cầu suy giảm. Với kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi lại trong nửa sau năm nay, BVSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng 2023 giảm 7,3% y/y, đạt 5.402 tỷ và dự báo doanh thu thuần ở mức 22.059 tỷ (-0,5% y/y).

BVSC duy trì khuyến nghị Neutral đối với cổ phiếu DGW cùng mức giá mục tiêu không đổi là 45.948 đồng/cp (Upside: 11,3%).

Công ty chứng khoán Tiên Phong - TPS

Cổ phiếu FPT đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn đầu tư dài hạn

Công ty CP FPT (HOSE: FPT) là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành công nghệ với tài chính mạnh mặc dù tỷ lệ Nợ vay/tổng tài sản khoảng 76% nhưng chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 89% trong khi tiền và tiền gửi chiếm 44% tổng tài sản.

Chuyển đổi số và số hóa là động lực tiếp tục duy trì tăng trưởng của công ty trong những năm tới.

Cổ phiếu FPT đang giao dịch ở mức P/E khoảng 16.8x và P/E forward khoảng 14.9x, thấp hơn bình quân lịch sử 19.5x, đây là vùng giá hấp dẫn đầu tư dài hạn.

Rủi ro: suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển và đầu tư dự án công nghệ lớn, lãi suất và tỷ giá (USD và JPY) biến động ảnh hưởng lợi nhuận.

Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam – MASVN

Đánh giá tích cực về GMD trong dài hạn

Doanh thu Q4/2022 của Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD) đạt 1.066 tỷ (+2,7% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 215 tỷ (+3,3% YoY). Điều này đã đóng góp phần nào vào tổng doanh thu lũy kế cả năm 2022 đạt 3.915 tỷ (+22,1% YoY) và lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 1.157 tỷ (+60,6% YoY) nhờ các yếu tố: 1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 35,5% năm 2021 lên mức 42% trong năm 2022.

Trong đó, tăng mạnh nhất trong quý 4 khi tăng hơn 12% so với cùng kỳ; 2) thu nhập tài chính cả năm giảm mạnh gần 39% do không còn được ghi nhận khoản lãi thanh lý các khoản đầu tư; 3) Chi phí tài chính tăng 64,6%. Trong đó, chi phí vay tăng 9,6% và lỗ tỷ giá tăng mạnh từ 1 tỷ lên mức 33 tỷ trong cùng kỳ.

Sản lượng khai thác qua 3 cảng của GMD cũng có phần biến động khi mà Nam Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ giảm sản lượng lần lượt 1,1% và 0,9% tương ứng với 380.710 TEUs và 540.041 TEUs. Ngược lại, sản lượng qua cảng Gemalink tăng mạnh gần 43% khi đạt hơn 1,6tr TEUs.

Ngày 29/12/2022, hội đồng quản trị của GMD đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng sở hữu cổ phần tại công ty cổ phần cảng Nam Hải Đình Vũ (NHĐV). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, MASVN thấy có ghi nhận một khoản tiền cọc ngắn hạn hơn 1.000 tỷ vào thời điểm cuối kỳ. Do đó MASVN cho rằng đó có thể là một phần tiền cọc trước cho việc chuyển nhượng bởi không có thuyết minh cụ thể về khoản này.

Việc chuyển nhượng cổ phần tại NHĐV sẽ giúp cho GMD thu về nguồn vốn để đầu tư cho giai đoạn 2 và 3 của cảng Nam Đình Vũ và giai đoạn 2 của cảng Gemalink, đồng thời có thể giảm áp lực về chi phí lãi vay khi lãi suất vay có thể ở mức cao trong năm 2023. Giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ ước tính có thể đạt được công suất 600.000 TEUs/ năm. Như vậy, về dài hạn việc mở rộng này có thể bù đắp được sản lượng khai thác của cảng NHĐV trong tương lai.

Đối với mảng trồng cây cao su, ban lãnh đạo tiếp tục duy trì chăm sóc và sẽ không đầu tư mới ở mảng này. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm thoái vốn ở mảng này.

Với triển vọng đầy lạc quan của GMD trong năm 2023, MASVN đưa ra dự phóng về doanh thu cả năm 2023 ước đạt 3.250 tỷ (-17% YoY) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.856 tỷ (+60% YoY); 1) Doanh thu giảm bởi không còn ghi nhận một phần doanh thu từ NHĐV do chuyển nhượng cổ phần; 2) Biên lợi nhuận gộp sẽ không còn duy trì được ở mức cao giảm từ 42% về mức 37%; 3) Doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 1.000 tỷ nhờ ghi nhận lợi nhuận từ việc chuyển nhượng; 4) Chi phí lãi vay giảm 23% so với cùng kỳ.

EPS dự phóng đạt mức 5.235 đồng/cp, tương ứng với mức P/E dự phóng đạt 9,8 lần thấp hơn so với mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp tại 17,0x. Vì vậy, MASVN đánh giá TÍCH CỰC về GMD trong dài hạn: a) Ghi nhận doanh thu lợi nhuận đột biến trong năm; b) chi phí lãi vay giảm.

Công ty chứng khoán ACB ACBS

DGC - Tín hiệu mua ngắn hạn

Điểm nhấn kỹ thuật:

- RSI (14) vượt qua và duy trì trên ngưỡng quá bán từ đầu tháng 12/2022 đến nay, sức mạnh giá dần được củng cố. Động lượng tăng duy trì khi vượt lên trên trung bình 50.

- MACD (12,26,9) tăng lên từ ngưỡng thấp nhất lịch sử cho thấy rủi ro giảm giá mạnh trong ngắn và trung hạn được hạn chế. Cho tín hiệu mua trong ngắn hạn với đường MACD và đường tín hiệu giao cắt.

Xu hướng chi phối giá cổ phiếu hiện tại là xu hướng giảm trung hạn kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu dao động với biên độ hẹp dần với các vùng đáy mới được tạo liên tục cao hơn, cho thấy giai đoạn điều chỉnh giá hiện tại nhiều khả năng sẽ kết thúc trong ngắn hạn sắp tới.

Khối lượng giao dịch giảm trong nhịp tích lũy nhưng có chiều hướng cải thiện trong các phiên gần đây với đột biến trong khối lượng của phiên ngày 31/1 cho thấy quan tâm của dòng tiền tại vùng giá thấp.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tích lũy cổ phiếu DGC tại vùng giá 58.000 - 61.000 đồng/cp. Chốt lời trung hạn vùng kháng cự 78.000 - 81.000 đồng/cp. ABCS cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm mạnh, đóng cửa dưới ngưỡng 54.000 đồng/cp.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục