Phiên giao dịch ngày 25/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 25/8/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DCM

Mức Stock Rating của DCM (CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau – sàn HOSE) ở mức 94 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Điểm nổi bật là mức Sức mạnh giá của DCM trên mức 90 điểm cho thấy dòng tiền có xu hướng gia tăng mạnh vào cổ phiếu này.

Giá Ure dự báo sẽ tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Với kết quả kinh doanh quý 2/2021, Điểm cơ bản của DCM ở mức 97 điểm cho thấy DCM vẫn duy trì tăng trưởng trên nền tảng cơ bản.

Đồ thị giá của DCM đóng cửa tăng 3,6% và đồ thị giá thoát khỏi giai đoạn tích lũy. Đồng thời, đồ thị giá cũng xác lập mức cao nhất 52 tuần cho thấy xu hướng TĂNG ngắn và trung hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu DCM.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Nâng giá mục tiêu cổ phiếu POW lên 15.000đ/cp

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: POW) giảm 14% so với cùng kỳ xuống 9.488 tỷ đồng do sản lượng điện khí và than giảm (-24%/-2% so với cùng kỳ), trong khi sản lượng thuỷ điện tăng ấn tượng 76% svck nhờ điều kiện thuỷ văn thuận lợi. Doanh thu 6T21 giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ nhờ mức tăng 14% giá bán trung bình (ASP). Biên LN gộp giảm 2 điểm % với nguyên nhân chính đến từ giảm sản lượng điện khí. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 26% so với cùng kỳ, nhờ khoản dự phòng giảm 95% so với cùng kỳ. Khoản thu nhập tài chính ròng tăng 144% nhờ khoản lợi nhuận một lần và chi phí lãi suất thấp hơn so với cùng kỳ. Do đó, LN ròng 6T21 tăng 16% so với cùng kỳ lên 1,384 tỷ đồng, hoàn thành 60% dự báo cả năm của VND.

VND kỳ vọng sản lượng của POW sẽ giảm 5% so với cùng kỳ vào năm 2021 và tăng lại lần lượt 16%/1% trong năm 2022/23 với sản lượng từ nhà máy nhiệt điện phục hồi. Đối với từ loại điện, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện than sẽ không thay đổi nhiều, sản lượng thuỷ điện sẽ tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 18%/4% vào năm 2022/23, và sản lượng điện khí tăng 31%/3% so với cùng kỳ vào năm 2022/23. Lợi nhuận ròng POW kỳ vọng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng lại lần lượt 20%/3,3% trong năm 2022/23.

Đến cuối tháng 8, POW sẽ chốt gói thầu EPC Nhơn Trạch 3&4 – nhà máy điện LNG đầu tiên của đất nước. Dự án bao gồm hai nhà máy với tổng công suất 1500MW, sử dụng LNG nhập khẩu từ kho LNG Thị Vải, và dự kiến hoạt động vào Q4/23 và Q2/24. VND hy vọng các nhà máy điện này sẽ giúp POW tăng doanh thu 24,2% svck từ 2024 đến 2025.

VND nâng giá mục tiêu lên 15.000đ/cp (+11% so với báo cáo trước) với mức tăng EPS 202/22/23 lần lượt là 5,1%/14,7%/22,4%. VND tin rằng đã đến lúc để tích luỹ cổ phiếu này với rủi ro giảm giá thấp và tăng trưởng doanh thu ổn định. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) thiếu nhiên liệu (than, khí) gây gián đoạn hoạt động sản xuất, (2) Nhơn Trạch 3&4 hoàn thành lâu hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá bao gồm sản lượng điện cao hơn dự kiến.

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu DSN với giá mục tiêu là 47.100 đồng/cp

Năm 2021, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội diện rộng diễn ra ở thành phố HCM, CTCP Công viên nước Đầm Sen (HOSE - Mã: DSN) đã đóng cửa từ ngày 03/05/2021 tới thời điểm hiện tại. Mùa hè vốn là mùa mà các hoạt động giải trí dành cho các gia đình và thiếu nhi thu hút lượng khách lớn tới Công viên Đầm Sen và mang lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp này vào quý 2 và quý 3 hàng năm nhưng với tình hình đóng cửa dài ngày để chống dịch, MBS đánh giá Công viên nước Đầm Sen sẽ mất đi phần lớn nguồn doanh thu trong năm nay.

Tuy doanh thu quý 2/2021 đạt hơn 14 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ, doanh thu của 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 23,8 tỷ đồng (-33% cùng kỳ), do đó MBS dự phóng mức tổng doanh thu cả năm chỉ đạt 25 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 3 tỷ đồng. Dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên căng thẳng trong thời gian vừa qua, dự kiến thời điểm hết giãn cách xã hội cũng sẽ là lúc mùa cao điểm vui chơi trong năm đã đi qua. Thêm vào đó, để hạn chế tập trung nơi đông người để tránh dịch bệnh lây lan sẽ khiến cho dù Công viên nước Đầm Sen có thể mở cửa lại trước cuối năm, hoạt động kinh doanh cũng sẽ ở mức rất hạn chế.

Quan điểm đầu tư:

Công viên nước Đầm Sen gần như là 1 doanh nghiệp độc quyền về việc vui chơi giải trí ở dưới nước tại trung tâm Sài Gòn. Mảng kinh doanh công viên nước giải trí có vị thế khá bền vững và không sợ thiếu khách do Sài Gòn là khu vực có nhiệt độ cao quanh năm. Các công ty khác muốn mở công viên giải trí cũng khó có thể thay thế được DSN trong nhiều năm nữa do quỹ đất để xây dựng được như công viên nước giải trí gần như là không có ở trong trung tâm Sài Gòn.

Công viên nước Đầm Sen là một trong những công viên giải trí hiện đại và có quy mô lớn nhất Sài Gòn, với không gian rộng, sức chứa lớn, hệ thống hồ bơi và máng trượt đa dạng dành cho khách hàng đủ mọi lứa tuổi

Đây là doanh nghiệp có mức trả cổ tức cao và ổn định, mức cổ tức từ 3.600-6.500 đồng/cp, ước tính tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt khoảng 10-13%/năm.

Tỷ lệ D/E năm 2020 của DSN chỉ là 2%, là khoản vay dài hạn để đầu tư dự án sản xuất rượu tại Phan Thiết và dự án nghiên cứu vi sinh cùng với Đại học Tôn Đức Thắng. Trước 2020, DSN không có nợ vay, rủi ro tín dụng ở DSN là rất thấp.

Hoạt động kinh doanh của DSN chủ yếu là thu tiền mặt, do đó mức tích lũy tiền của doanh nghiệp khá cao và ít rủi ro về dòng tiền.

Tài sản của DSN chủ yếu đã gần hết khấu hao, chi phí khấu hao hàng năm đều ở mức thấp.

Nhìn chung, vào thời kỳ hoạt động ổn định, chi phí sản xuất kinh doanh của DSN không biến đổi nhiều và tăng giảm tương ứng theo doanh thu.

DSN có tập khách hàng ổn định là các gia đình và đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy hình thức giải trí không có gì đổi mới qua các năm, nhưng nhờ giá vé tăng đều đặn hàng năm (theo quan sát là 20 ngàn đồng/vé qua từng năm), doanh thu vẫn giữ mức tăng trưởng đều đặn.

Dự phóng và định giá: MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DSN với giá mục tiêu là 47.100 đồng (tăng 15% so với mức tham chiếu ngày 23/08/2021) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF. Theo dự đoán của MBS, năm 2022, Công ty sẽ được mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại sau khi Việt Nam kìm chế hoàn toàn dich Covid-19. Mức doanh thu sẽ hồi phục đáng kể và trở lại về ngưỡng trước dịch. Biên lợi nhuận sẽ tăng do khấu hao giảm và giá vé có thể tăng khi nhu cầu giải trí tăng cao sau dịch. MBS dự phóng doanh thu 2022 đạt 176 tỷ đồng, LNST tăng lên 76 tỷ đồng, và EPS đạt trên 5.700 đồng/cp.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu BMC tiếp cận ngưỡng 20.000 đồng/cp

Cổ phiếu BMC (CTCP Khoáng sản Bình Định – sàn HOSE) đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 14.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20, MA50 và dải mây ichimoku; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 17.5, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 20.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 16.0.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán