Cổ phiếu NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 – sàn HOSE) vừa hình thành phiên bứt phá sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng giá 19. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và sắp kiểm tra lại MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 19.5, chốt lãi tại ngưỡng 22.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu NT2 mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 19.0.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt khoảng 109,2 triệu USD (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2021, trong khi lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2021 tăng 22,1% lên 113 tỷ đồng.
Áp lực chi phí nguyên vật liệu gia tăng đã làm giảm nhẹ biên lợi nhuận gộp mảng thủy sản từ 7.5% trong nửa đầu năm 2020 còn 7,3% trong nửa đầu năm 2021, qua đó làm biên lợi nhuận gộp của FMC trong nửa đầu năm 2021 giảm còn 8,3%. Hơn nữa, mảng nông sản tuy có biên lợi nhuận vượt trội so với mảng thủy sản nhưng biên lợi nhuận gộp cũng sụt giảm từ 49,4% trong nửa đầu năm 2020 còn 38,7% trong nửa đầu năm 2021, do giá nguyên liệu tăng
Kết thúc nửa đầu năm 2021, chi phí vận chuyển tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đã làm cho chi phí bán hàng tăng 29% lên 35 tỷ đồng. Qua đó, làm biên lợi nhuận ròng giảm nhẹ từ 5,8% trong nửa đầu năm 2020 còn 5,3% trong nửa cuối năm 2021.
Hiện nay, tiêu thụ tôm tại thị trường EU chiếm 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của FMC. Hiệp định EVFTA đưa mức thuế xuất khẩu tôm về 0% hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi thế cho FMC mở rộng xuất khẩu sang EU. Nhằm nắm bắt cơ hội từ EVFTA, FMC đã mở rộng vùng nuôi và có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới.
Năm 2020, FMC đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm tại khu đất kế bên khu nuôi tôm TaNa Farm tại Sóc Trăng, có diện tích hơn 81 hecta. Bên cạnh đó, năm 2021, FMC xây dựng 2 nhà máy chế biến tại Sóc Trăng với tổng công suất 20.000 tấn/năm, tương đương 100% công suất chế biến năm 2019, với mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, và hoạt động 100% công suất vào năm 2025.
Gia tăng tỷ lệ tự chủ nguồn tôm nguyên liệu sẽ góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của FMC. FMC đặt kế hoạch tiếp tục mở rộng, từng bước nâng cao mức độ tự chủ về nguyên liệu. Đến năm 2021, FMC phấn đấu đạt tỷ lệ 30%. Trong khi, các đối thủ chính có tỷ lệ tự chủ thấp hơn FMC. Hơn nữa, do quỹ đất phát triển vùng nuôi tôm không còn nhiều, nên việc mở rộng vùng nuôi gia tăng tỷ lệ tự chủ sẽ là thách thức của các doanh nghiệp chế biến tôm lớn trong tương lai.
Do tác động của dịch Covid-19 đến sản xuất, PHS điều chỉnh giảm ước tính kết quả kinh doanh của FMC với doanh thu đạt 4.486 tỷ đồng (tăng 1,9% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng (giảm 2,5%). Do lãi suất phi rủi ro giảm, PHS điều chỉnh giảm WACC từ 9,7% trong báo cáo trước còn 8.9%.
Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS nâng mức giá hợp lý cho cổ phiếu FMC lên 46.400 đồng/cổ phiếu (+8% so với giá hiện tại). Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FMC.
Rủi ro: (1) Rủi ro tập trung doanh thu; (2) Rủi ro nguồn nguyên liệu; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro cạnh tranh cạnh tranh từ Ấn Độ, Thái Lan, Ecuardo; (5) Rủi ro từ dịch Covid-19.
VCSC duy trì giá mục tiêu gần như không thay đổi và giữ khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) khi chúng tôi đánh giá tích cực về sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận PLX năm 2021 của PLX và triển vọng tăng trưởng dài hạn cho tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam (dự kiến 5,5%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu, theo BMI Research).
VCSC điều chỉnh tăng 6% lợi nhuận năm 2021 do giá dầu thô tăng giúp lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2021 hoàn thành 66% dự báo năm 2021 trước đó của chúng tôi. Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2025 gần như không đổi.
VCSC kỳ vọng lợi nhuận dự báo năm 2021 sẽ tăng 3,4 lần so với năm trước do giá xăng dầu diễn biến thuận lợi giúp thúc đẩy lợi nhuận từ xăng dầu, cùng với sự phục hồi của mảng hóa dầu/LPG/ vận tải.
VCSC dự báo lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng 35,2% YoY khi chúng tôi kỳ vọng 1) mảng xăng dầu phục hồi hoàn toàn về mức năm 2019 (giả định sản lượng tiêu thụ tăng 5,0% YoY và biến động giá dầu ổn định) và 2) mảng hóa dầu tăng trưởng mạnh do tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
PLX có năng lực tài chính ổn định với 790 triệu USD tiền mặt và tỷ lệ đòn bẩy ròng là -9,8% vào cuối quý 2/2021. Ngoài ra, PLX có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ việc phát triển các dịch vụ tại các trạm xăng cũng như từ hoạt động kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
PLX đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2021 là 22,4 lần và P/E năm 2022 là 16,5 lần - thấp hơn mức P/E năm 2021 là 28,0 lần đối với công ty cùng ngành tương đồng nhất là PTT Oil Retail and Business (dữ liệu của Bloomberg).
Yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận ngoài HĐKD từ việc thoái vốn tại PG Ngân hàng trong năm 2021.
Rủi ro: Các gián đoạn từ dịch COVID-19 kéo dài đến quý 4/2021; giá dầu biến động bất lợi.
Doanh thu quý 2/2021 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE - Mã: MWG) tăng 20,4% svck lên 31.658 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu của Bách Hóa Xanh (BHX) tăng trưởng 49,4% svck, chiếm 23,4% tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 tăng 0,62 điểm % nhờ đóng góp cao hơn từ BHX. Lợi nhuận ròng trong quý 2/2021 tăng 35,8% so với cùng kỳ lên 1.214 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 18,2% trong quý 1/2021. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG tăng 12,3% svck /26,0% svck lên 62.486 tỷ đồng và 2.553 tỷ đồng, phù hợp với dự báo của VND trong năm 2021.
VND cho rằng cả Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (DMX) sẽ sụt giảm doanh thu trong vài tháng tới do các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19 và thu nhập người tiêu dùng bị giảm do tác động của việc kéo dài giãn cách xã hội. MWG đã đóng khoảng 67% cửa hàng TGDD/DMX kể từ tháng 7/2021 trên toàn quốc. Do đó, VND hạ dự báo doanh thu TGDD giảm 9,21%/9,32% và doanh thu DMX giảm 7,4%/12,9% trong năm 2021/22 để phản ánh những tác động bất lợi nêu trên.
BXH đang hưởng lợi do nhu cầu các mặt hàng thiết yếu tăng cao khi hầu hết các kênh bán hàng truyền thống đóng cửa trong giai đoạn giãn cách xã hội vào T7-T8/21. Trong T6/21, doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX đạt 1,47 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ và cao hơn 22,5% so với mức trung bình 5T21. VND đánh giá cao những hành động nhanh chóng của MWG trong giai đoạn giãn cách xã hội gồm tối ưu hóa nguồn hàng, chuyển nhân viên từ TGDĐ&ĐMX sang BHX và đẩy nhanh giao hàng trực tuyến. Do đó, VND điều chỉnh tăng doanh thu của BHX năm 2021/22 lên 6,6%/3,2%...
VND sử dụng phương pháp định giá từng phần để định giá hai mảng kinh doanh cốt lõi của MWG gồm điện tử tiêu dùng (TGDD và DMX) và bách hóa (BHX).
Định giá của VND cho TGDD & DMX giảm 5,6% so với dự báo trước đó do VND giảm doanh thu năm 2021/22 của TGDD xuống 9,21%/9,32% và doanh thu của DMX xuống 7,4%/12,9% để phản ánh những khó khăn trong ngắn hạn do các đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc. Mặt khác, định giá của VND đối với BHX tăng 8,6% so với dự báo trước đó sau khi nâng doanh thu 6,6%/3,2% trong năm 2021/22. Giá mục tiêu mới của VND tăng lên 175.700 đồng sau những thay đổi trên.
Giá cổ phiếu MWG đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, 11,9% từ 01/07/21 đến 16/08/21 và 43% so với đầu năm, phần nào đã phản ánh triển vọng của BXH vào giá. Do đó, VND hạ khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống TRUNG LẬP do tiềm năng tăng giá ít đi.
Rủi ro giảm giá: Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự kiến, các cửa hàng BHX & DMX mở ít hơn dự kiến và doanh thu trên mỗi cửa hàng của mỗi chuỗi thấp hơn dự kiến.
Tiềm năng tăng giá: các chuỗi mở cửa hàng nhanh hơn dự kiến, doanh thu trên mỗi cửa hàng cao hơn dự kiến hoặc biên lợi nhuận gộp cao hơn dự kiến.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|