Phiên giao dịch ngày 21/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 21/9/2023, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG

Doanh thu quý 2/2023 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tăng nhẹ so với quý 1/2023 nhờ nhu cải thiện, mặc dù vẫn ở mức yếu, trong khi đó, diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào thuận lợi giúp biên lãi gộp đạt 11% (tăng 5% QoQ), từ đó giúp HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.460 tỉ đồng.

Phiên giao dịch ngày 21/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý
KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp.

Các lò cao HRC hoạt động với công suất 100% trong quý 3/2023 nhờ các đơn hàng xuất khẩu gia tăng, trong bối cảnh các nhà máy tại châu Âu tạm dừng để bảo dưỡng, khiến các nhà phân phối đẩy mạnh nhập hàng từ đầu tháng 7/2023. Tuy vậy, HPG cũng phải chịu sự cạnh tranh về giá với các đơn vị từ Trung Quốc.

Sức tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn ở mức yếu, đồng thời, còn chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu quý 3/2023. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong tháng 8/2023 cũng đã được cải thiện nhờ đẩy mạnh kênh xuất khẩu (tăng 17% MoM).

KBSV kỳ vọng giá thép cải thiện nhờ (1) đà hồi phục của ngành Bất động sản tại Trung Quốc và (2) chính sách hạn chế sản xuất thép tại Trung Quốc giúp thúc đẩy nhu cầu trong các tháng cuối năm. KBSV áp dụng 2 phương pháp DCF và P/E mục tiêu cho 2024 để xác định giá trị hợp lý của HPG, và khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB

Quý 2/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) có thu nhập lãi thuần đạt 5.751 tỷ đồng (giảm 1,5% so với quý trước, tăng 121% so với cùng kỳ); thu nhập ngoài lãi đạt 332 tỷ đồng (tăng 8,8% so với quý trước, giảm 81,4% so với cùng kỳ) khiến TOI đạt 6.737 tỷ đồng (giảm 0,9% so với quý trước, tăng 9,9% so với cùng kỳ). Chi phí trích lập dự phòng duy trì mức vừa phải, đạt 1.316 tỷ đồng (tăng 31,3% so với quý trước, giảm 45,6% so với cùng kỳ) khiến LNTT đạt 2,373 tỷ đồng (giảm 0,4% so với quý trước, tăng 79,9% so với cùng kỳ).

Tăng trưởng tín dụng của STB trong quý 2/2023 đạt 5,0%, hoàn thành 41,3% so với kế hoạch đề ra trong ĐHCĐ là ~ 12,1% cho cả năm 2023. KBSV đánh giá cao khả năng STB sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra dựa trên các động thái giảm lãi suất điều hành để kéo nền lãi suất cho vay xuống thấp.

Ngày 28/7/2023, STB cùng Công ty đầu giá Hợp danh Toàn Cầu Group phát hành thông báo đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú. Giá khởi điểm của khoản nợ bán đấu giá là 7.934 tỷ đồng. Thời hạn thanh toán tiền mua khoản nợ đợt 1 (20%) chậm nhất ngày 21/12/2023 và sẽ thanh toán nốt 80% còn lại trong 2 năm 2024-2025. KBSV kì vọng STB sẽ bán thành công khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2023 qua đó đủ nguồn để xử lý phần nợ VAMC còn lại.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 36.600 đồng/cp, cao hơn 17,7% so với giá tại ngày 18/9/2023.

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu ANV với mức tăng giá tiềm năng là 22,4%

Kết thúc quý 2/2023, Công ty CP Nam Việt (HOSE: ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực do sức mua tại các thị trường tiêu thụ giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán liên tục giảm mạnh. Do đó, doanh thu thuần của ANV giảm 17% YoY đạt 1.074 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh mẽ 121,2% YoY, lỗ 51 tỷ đồng. Trong 1H2023, doanh thu thuần của ANV giảm 11,3% YoY đạt 2.229 tỷ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch năm 2023 trong khi lợi nhuận sau thuế thuế giảm mạnh còn 41 tỷ đồng (-90,8% YoY) do chi phí giá vốn tăng 16% YoY. Do đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 11,3%.

Điểm nhấn đầu tư: Nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chi phí nhờ duy trì chuỗi giá trị khép kín: ANV là một trong số ít doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam sở hữu chuỗi giá trị khép kín, từ chăn nuôi, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, đến phân phối thành phẩm. Khả năng tự chủ được 30% con giống, 100% thức ăn và 100% cá nguyên liệu góp phần kiểm soát chi phí đầu vào, kiểm soát chất lượng cá và ổn định biên lợi nhuận.

ANV là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu với mạng lưới xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia tại khắp các châu lục trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại Châu Á là Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, tại Châu Âu là Anh, Pháp trong khi tại Châu Mỹ là Mỹ, Mexico, Brazil. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng gây ảnh hưởng bất lợi đến tiêu thụ cá tra, danh mục thị trường xuất khẩu đa dạng là lợi thế giúp cho ANV giảm thiểu rủi ro giảm sút đơn hàng.

ANV đang triển khai mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe Collagen Peptide và Gelatin (C&G) từ nhà máy Aminavico liên doanh với đối tác Hàn Quốc Amicogen, được kỳ vọng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho công ty trong tương lai. Vào tháng 4/2023, Aminavico giai đoạn 1 đã được đưa vào chạy thử nghiệm với công suất chế biến 780 tấn/năm. Do còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và nhu cầu suy giảm, tỷ lệ công suất hiệu dụng của nhà máy còn thấp ở mức 30%. Khi hoạt động hết công suất, dự án này dự kiến sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận hàng năm lần lượt là 36 triệu USD và 1,5 triệu USD. Sau đó, Navico và Amicogen sẽ tiếp tục hợp tác triển khai chiến lược giai đoạn 2 và 3, nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/năm. Dự kiến các sản phẩm C&G sẽ đóng góp vào 10% lợi nhuận của tập đoàn vào năm 2025F.

Do áp lực từ nhu cầu suy yếu tại các thị trường tiêu thụ, PHS dự phóng thận trọng doanh thu thuần của ANV năm 2023F đạt 4.855 tỷ đồng (-0,9% YoY), lợi nhuận sau thuế giảm 45,5% YoY đạt 367 tỷ đồng. Dù vậy, PHS vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn và kỳ vọng phục hồi vào năm 2024 của ANV nhờ có (1) chuỗi giá trị khép kín, (2) cơ cấu thị trường đa dạng và (3) tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ mảng C&G.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu ANV là 44.600 đồng/cp. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu ANV với mức tăng giá tiềm năng là 22,4% so với giá hiện tại. Rủi ro: (1) Rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; (2) Rủi ro nguyên liệu đầu vào; (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (4) Rủi ro lãi suất; (5) Rủi ro thị trường xuất khẩu.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 18/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 19/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 20/9/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán