Phiên giao dịch ngày 17/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 17/11/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Phiên giao dịch ngày 16/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS

Khuyến nghị giữ cổ phiếu SAB với mức tăng giá tiềm năng là 4%

Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) có tiền thân là một xưởng bia nhỏ do người Pháp thành lập vào năm 1875. SABECO hoạt động chính trong ngành sản xuất bia và các loại nước giải khát. SABECO hiện có 26 nhà máy với tổng công suất sản xuất đạt trên 2,2 tỷ lít bia/năm.

Phiên giao dịch ngày 17/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
Khuyến nghị giữ cổ phiếu SAB với mức tăng giá tiềm năng là 4%. Hình minh họa

PHS kỳ vọng doanh thu của công ty trong năm 2022 sẽ đạt 33.400 tỷ đồng (+32,3% YoY) bởi sự hồi phục trong tiêu thụ rượu bia sau thời gian giãn cách xã hội cùng với sự kiện World Cup sắp diễn ra trong năm. Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 5.424 tỷ đồng (+1,3% YoY), biên lợi nhuận gộp nhiều khả năng cải thiện 2,2 điểm phần trăm khi giá lúa mạch và nhôm tăng cao trong năm và công ty đã chốt giá nguyên liệu cho nguyên năm 2022.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Lợi thế về đặc điểm dân số và thói quen tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam. Việt Nam hiện tại đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với nhóm từ 14-60 tuổi chiếm xấp xỉ 70% vào năm 2019. Tiêu thụ rượu bia cũng tăng bất chấp thời kỳ dịch bệnh khi lượng tiêu thụ tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

(2) Công ty đang tích cực thay đổi chiến lược marketing và quảng bá thương hiệu nhắm hướng về giới trẻ và phân khúc cận cao cấp (phân khúc được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian sắp tới) và bảo vệ thị phần phổ thông trước Heineken.

(3) Công ty đang trải qua quá trình tối ưu hóa chi phí và tái cơ cấu sau khi được mua lại bởi Thaibev, đã được nhiều kết quả khả quan về lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế. PHS thấy công ty vẫn còn những dư địa để có thể tiết giảm chi phí, tuy không nhiều.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 191.900 đồng/cp. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị GIỮ với mức tăng giá tiềm năng là 4%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 4 năm tiếp theo.

Rủi ro: (1) Sức tiêu thụ bị tác động tiêu cực do các quy định mới và nhận thức về sức khỏe; (2) Biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu; (3) Cạnh tranh gay gắt để tranh giành thị phần.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 15.300 đồng/cp

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 3Q2022 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đạt lần lượt là 34.440 tỷ đồng (-11,8% YoY), và -1.785 tỷ đồng (-117% YoY). Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng do giá bán đi xuống cùng tồn kho nguyên vật liệu giá cao. Tỷ giá cũng tác động nhiều đến KQKD 3Q2022 của HPG. Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 1.076.000 tấn (+12% YoY). Đặc biệt, tiêu thụ ống thép tăng vọt, ghi nhận 200.000 tấn (+62% YoY). Sản lượng tiêu thụ HRC chỉ nhích nhẹ trong khi tôn mạ ghi nhận sự sụt giảm.

Đầu ra giảm và tồn kho nguyên vật liệu giá cao đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh Quý 3. HPG sẽ quản trị hàng tồn kho chặt chẽ và có thể ghi nhận giá vốn thấp hơn vào quý tới. Hoà Phát cũng ra quyết định tạm dừng hoạt động một số lò cao trong bối cảnh nhu cầu yếu. Tiêu thụ thép Quý 4 vẫn còn nhiều thách thức khi thị trường Bất động sản và giải ngân đầu tư công trì trệ.

Ngành thép đang trải qua giai đoạn khó khăn khi giá thép giảm và nhu cầu tiêu thụ yếu. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép đều ghi nhận lỗ trong 3Q2022. Hoà Phát với biên lợi nhuận gộp cao, chi phí sản xuất cạnh tranh được kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần khi các doanh nghiệp sản xuất thép phải giảm sản lượng do áp lực từ việc lỗ do giá thép đi xuống và nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.

KBSV điều chỉnh dự phóng doanh thu năm 2022 HPG xuống 137.883 tỷ đồng (- 7,9% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 10.236 tỷ đồng (-70% YoY). Với quan điểm thận trọng với nhu cầu tiêu thụ thép và giá bán đầu ra giảm nhẹ cho đến hết năm, KBSV khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 15.300 đồng/cp, triển vọng tăng 15%.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 22.000 đồng/cp

Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.039 tỷ đồng (tăng 4,5% so với quý trước và tăng 36,0% so với cùng kỳ năm trước), thu nhập ngoài lãi đạt 1.946 tỷ đồng (giảm 13,6% so với quý trước và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước). Chi phí dự phòng rủi ro đạt 962 tỷ đồng, giảm mạnh 45,9% so với cùng kỳ. Tương tự quý trước, nhờ cắt giảm chi phí dự phòng mà lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng mạnh 61,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.296 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 18.193 tỷ đồng (tăng 53,1% so với cùng kỳ năm trước).

Lợi suất đầu ra bình quân quý III/022 đạt 8,61%, tăng 0,33 điểm % so với quý trước với đóng góp chính đến cho vay liên ngân hàng (x2.97 so với quý trước). Lãi suất bình quân đầu vào quý 3 tăng chậm hơn, khoảng 0,31 điểm % so với quý trước. Từ đó, NIM quý 3 vẫn tăng nhẹ khoảng 0,02 điểm % so với quý 2, đạt 5,97%

Nhờ room tín dụng được cấp mới mà MBB có thể đẩy mạnh cho vay trong quý 3. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng đạt 426 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với đầu năm; danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ trong quý 3 nhưng vẫn tăng 16%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 542 nghìn tỷ đồng (tăng 6,1% so với thời điểm đầu năm). Huy động từ giấy tờ có giá tăng 52,2% bù đắp cho tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2%.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm về mức 1%, nợ xấu ngân hàng mẹ là 0,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù giảm xuống 207,7% nhưng vẫn thuộc top đầu ngành. Số dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý 3 còn khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 33,3% so với quý trước đó).

Chỉ trong quý 3, MBB đã thu hút được thêm 3 triệu người dùng mới App & Biz mới, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng khách hàng sử dụng ngân hàng số lên 18 triệu người dùng. Số lượng giao dịch trên kênh số vào quý 3 đạt 812 triệu giao dịch, tăng gấp 3,6 lần và chiếm tới 94% các giao dịch tại MBB. Giá trị giao dịch trong quý 3 đạt 7.8 triệu tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu MBB là 22.000 đồng/CP, cao hơn 45% so với giá tại ngày 14/11/2022, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán