Phiên giao dịch ngày 15/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 15/8/2023, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Vietcombank – VCBS

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu KBC

Hoạt động cho thuê đất công nghiệp dự báo chậm lại trong nửa cuối năm 2023: tính đến hiện tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đã về cơ bản hoàn thành cho thuê đối với khách hàng lớn đặt trước tại KCN Quang Châu Mở rộng và Nam Sơn Hạp Lĩnh. Do đó, kết quả kinh doanh có thể chững lại trong nửa cuối năm 2023 khi hoạt động cho thuê đất phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư mới.

Chờ đợi nguồn cung mới từ KCN Tràng Duệ 3: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC – sàn HOSE) đã đền bù được khoảng 300 ha quỹ đất tại KCN, tạo điều kiện có thể thi công mặt bằng và bàn giao nhanh chóng sau khi nhận được chấp thuận đầu tư. Trong trường hợp thông qua hồ sơ pháp lý tại cuối năm 2023, hoạt động cho thuê có thể được triển khai ngay trong năm 2024.

Phiên giao dịch ngày 15/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý
VCBS đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu KBC với mức định giá hợp lý là 31.886 đồng/CP

Đóng góp từ các dự án NOXH: Trong giai đoạn 2023 – 2024, kết quả kinh doanh mảng BĐS dân cư của KBC dự kiến được đóng góp chủ yếu bởi các dự án NOXH, nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, hoạt động triển khai, bán hàng các dự án BĐS thương mại dự báo chững lại đáng kể.

Trong năm 2023, kết quả kinh doanh hoạt động cốt lõi của KBC bùng nổ nhờ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho các khách hàng lớn tại KCN Quang Châu Mở rộng và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh. Tuy vậy, VCBS đánh giá mức giá hiện tại của cổ phiếu KBC đã cơ bản phản ánh kết quả kinh doanh trong năm 2023 và triển vọng kinh doanh giai đoạn tiếp theo phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Tràng Duệ 3.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 của KBC đạt 5.809 tỷ đồng (tăng 315,7% so với năm ngoái), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.037 tỷ đồng (tăng trưởng 33,4%), tương ứng với EPS là 2.653 đồng/cổ phiếu. VCBS đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu KBC với mức định giá hợp lý là 31.886 đồng/cổ phiếu.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu bất động sản

Mức Sector Rating của nhóm Bất động sản ở mức 73 điểm cho nên FSC đánh giá trung tính mức xếp hạng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này. Điểm tích cực là nhóm Bất động sản. Chỉ số nhóm BĐS đóng cửa tăng 2.8% với khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và đồ thị giá có thể sẽ tăng về mức kháng cự là đỉnh cao nhất trong tháng 10/2022.

Ngoài ra, các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn đang tăng vào vùng quá mua cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh đan xen trong những phiên giao dịch tới, nhưng FSC đánh giá đây vẫn chưa phải là vùng rủi ro của nhóm cổ phiếu này. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu mạnh nhất nhóm: KBC, NLG, HDC, VHM.

Công ty Chứng khoán Vietcap - VCI

Duy trì khuyến nghị khả quan cổ phiếu NLG

VCI duy trì khuyến nghị khả quan đối cho Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) và tăng giá mục tiêu (TP) thêm 9,0% lên 42.200 đồng/cổ phiếu. TP cao hơn chủ yếu là do VCI (i) tăng định giá dự án Southgate vì VCI bổ sung định giá phân khu căn hộ cao tầng và (ii) bỏ khoản chiết khấu RNAV 5%.

Nhìn chung, VCI duy trì dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 ở mức 605 tỷ đồng (+9% YoY) khi tiếp tục kỳ vọng (i) vào lượng bàn giao tại dự án Southgate, Mizuki Park và Izumi City cũng như (ii) lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng 25% cổ phần tại Paragon và bán đất thương mại tại dự án Kikyo Residence trong nửa cuối năm 2023. VCI điều chỉnh tăng dự báo lượng bàn giao của dự án Mizuki Park trong năm 2023 do tiến độ xây dựng khả quan, bù đắp cho dự báo chi phí SG&A cao hơn tại dự án Southgate.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu TPB

Thu nhập lãi (NII) trong quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) giảm 10,0% so với cùng kỳ do (1) tín dụng tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ và (2) NIM của quý 2/2023 giảm 0,9 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 3,4% do chi phí vốn (CoF) tăng 2,48 điểm % so với cùng kỳ trong môi trường lãi suất cao, trong khi lợi suất tài sản (AY) chỉ tăng 1,47 điểm % so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi giảm 23% so với cùng kỳ trong quý 2/2023 do không còn 265 tỷ đồng lãi từ hoàn nhập một lần dự phòng chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS) như trong quý 2/2022. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPB đạt 3.917 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ trong quý 2/2023.

CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) của TPB trong quý 2/2023 tăng lên 49,3% từ mức 38,5% trong quý 2/2022, do TOI thấp hơn trong khi chi phí hoạt động tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VND kỳ vọng CIR của TPB sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi do (1) NH đã giảm 4% tổng số nhân viên kể từ đầu năm trong 6T23, (2) NH tiếp tục phát triển công nghệ giao dịch sinh trắc học. Trong bối cảnh chi phí tăng, TPB giảm chi phí dự phòng 43% so với cùng kỳ trong quý 2/2023 bằng cách sử dụng bộ đệm dự phòng, dẫn đến LLR (tỷ lệ bao phủ nợ xấu) của quý 2/2023 là 60,9% (quý 1/2023 là 83,9%). Chất lượng tài sản trong quý 2/2023 suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,2% (quý 1/2023: 1,4%). Nhìn chung, lợi nhuận ròng của TPB giảm 25,3% so với cùng kỳ xuống còn 1.732 tỷ đồng trong quý 2/2023.

Trong nửa cuối năm 2023, VND kỳ vọng TPB sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn do (1) tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023 tăng tốc đạt 13,9% so với đầu năm từ mức 6,8% so với đầu năm trong 6T23 nhờ môi trường lãi suất thấp; (2) NIM mở rộng 0,1-0,2 điểm % so với 6 tháng đầu năm 2023 nhờ hai chính sách cắt giảm lãi suất gần đây sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ nửa cuối năm trở đi trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng tốc; và (3) giảm áp lực trích lập nhờ TT02 cho phép giữ nguyên nhóm nợ và cơ cấu lại nợ. Cho cả năm 2023, VND kỳ vọng lợi nhuận ròng của TPB có thể đạt ~6.000 tỷ đồng (-4,1% so với cùng kỳ) với kỳ vọng NIM và tăng trưởng tín dụng lần lượt là 3,6% và 13,9% so với đầu năm.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị khả quan co cổ phiếu TPB với giá mục tiêu thấp hơn là 21.800 đồng. VND hạ 12,3%/4,4% dự phóng EPS cho năm 2023–24 với giả định rằng (1) NIM thay đổi -23/+14 điểm cơ bản và (2) chi phí tín dụng biến động -0,5%/+0,4% so với dự báo trước đó. Ngoài ra, VND đã điều chỉnh chi phí vốn từ 14,1% lên 14,5% do hệ số beta cao hơn, trong khi lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thấp hơn do CDS của Việt Nam thu hẹp so với đầu năm. Do đó, VND giảm giá mục tiêu xuống còn 21.800 đồng, thấp hơn 2,2% so với giá mục tiêu trước đây của VND. Tiềm năng tăng giá bao gồm (1) NIM cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng yếu hơn dự kiến và (2) dự phòng nợ xấu cao hơn dự kiến.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 10/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 11/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Phiên giao dịch ngày 14/8/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán