Phiên giao dịch ngày 14/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 14/3/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MWG với giá mục tiêu là 178.100/cp

Sau khi tăng quy mô nhanh chóng lên 2.106 cửa hàng ở miền Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HOSE – Mã: MWG) sẽ tạm dừng mở rộng mạng lưới BHX trong 2022 để tối ưu hóa hoạt động. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, trở thành Giám đốc điều hành của BHX kể từ 1/1/2022, tái khẳng định nỗ lực của MWG để cải thiện chất lượng kinh doanh chuỗi BHX. VND giảm 192 cửa hàng BHX nhưng tăng doanh thu (DT) trên mỗi cửa hàng lên 1,4% trong năm 2022 so với dự báo trước để phản ánh tác động của tối ưu hóa hoạt động chuỗi BHX. VND kỳ vọng BHX sẽ đạt điểm hòa vốn trong nửa cuối 2022 và đặt chân ra miền Bắc vào năm 2023.

Trong 2022, MWG sẽ tăng tốc mở cửa hàng bán sản phẩm của Apple – Topzone – từ 27 cửa hàng hiện tại lên 54 cửa hàng vào cuối Q1/22 và 200 cửa hàng vào cuối 2022. VND ước tính Topzone sẽ thúc đẩy DT từ sản phẩm của Apple với giá trị tăng thêm lần lượt là 4.207/4.388 tỷ đồng, đóng góp khoảng 2,8%/2,5% vào DT MWG trong 2022/23. Bên cạnh đó, ngày 10/1/2022, MWG chính thức ra mắt 5 chuỗi AVA mới với 12 cửa hàng độc lập AVAKids (sản phẩm mẹ và bé), AVAFashion và AVASports, cũng như các cửa hàng tích hợp AVAJi (trang sức) và AVACycle (xe đạp). Theo quan điểm của VND, AVAKids có thể là công thức thành công mới của MWG nhờ vào xu hướng nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe và chất lượng sản phẩm cho mẹ và bé.

VND kỳ vọng MWG sẽ đạt mức tăng trưởng DT 22,2%/18,3% svck trong 2022/23, nhờ: (1) BHX tăng trưởng 36,9%/21,2% svck, đóng góp khoảng 25,7%/28,3%% vào tổng DT, (2) Thegioididong (TGDD) tăng trưởng 13,3%/ 12,3% svck nhờ tăng thêm thị phần sản phẩm Apple, và (3) Điện máy Xanh (DMX) tăng trưởng 21%/15% svck nhờ nhu cầu tiêu dùng điện tử phục hồi. Do vậy, LN ròng năm 2022/23 được dự phóng tăng trưởng 31,3%/21,8% svck.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu là 178.100 đồng. Bằng phương pháp định giá từng phần hai mảng kinh doanh của MWG là điện thoại và điện tử tiêu dùng (TGDD và DMX) ở mức 92.800 đồng và bán lẻ tạp hóa ( BHX) ở mức 85.300 đồng (WACC: 11,6%). Rủi ro giảm giá: Việc mở rộng Topzone thấp hơn dự kiến hoặc doanh thu trên mỗi cửa hàng thấp hơn dự kiến, đặc biệt là chuỗi BHX. Tiềm năng tăng giá: mở rộng các chuỗi nhanh hơn dự kiến, doanh thu trên mỗi cửa hàng cao hơn dự kiến hoặc biên lợi nhuận gộp cao hơn dự kiến và thành công trong các chuỗi AVA mới.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 45.800đ/cp

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE – Mã: VPB) ghi nhận LN ròng 31.087 tỷ đồng năm 2021 (317,6% svck), chủ yếu nhờ thương vụ thoái 49% vốn tại FE Credit. Trường hợp không có khoản thu nhập bất thường này, LN ròng ngân hàng mẹ ước tính vẫn tăng 44,2% svck, nhờ cho vay tăng trưởng 26,7% svck và thu nhập từ phí tăng trưởng 18,9% svck. Về phía FE Credit, tổng thu nhập hoạt động giảm 12% svck, cho vay tăng 14,2% svck và NIM đạt 21,1% trong năm 2021. Chi phí hoạt động giảm 7% svck trong khi chi phí dự phòng tăng 16% svck. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của FE Credit chỉ đạt 0,6 tỷ đồng (-83,6% svck).

Trong năm 2021, NIM đạt 7,63% (cao nhất trong các ngành) và ROE đạt 8%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 4,47% vào cuối năm 2021, từ mức 3,4% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ ở mức 1,5%, trong khi FE Credit ước tính đạt 13,6%. Ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng (+112% svck), nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên 60,9% từ mức 45,3% vào cuối năm 2020 – mức cao nhất từ năm 2017. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng đạt 14,2% vào cuối năm 2021, nằm trong số những ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao nhất.

Sau thương vụ thoái vốn tại FE Credit, VPB đang trong tiến trình trở thành ngân hàng số xoay quanh việc VPBank Neo được đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2021. Đây là một nền tảng cho các dịch vụ tài chính tích hợp trong hệ sinh thái của VPB, phục vụ cá nhân và các doanh nghiệp. VPB cũng mở rộng hệ sinh thái bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các Fintech, ngân hàng hàng di động và các doanh nghiệp bán lẻ khác. VPB mua lại CTCP chứng khoán VPBank (tên cũ: CTCP chứng khoán ASC) và nâng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 45.800đ/cp. Giá mục tiêu mới dựa trên P/BV là 2,2 lần năm 2022. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược sau khi tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài nâng từ 15,0% lên 17,5% vào tháng 3 năm 2022. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể xem xét nắm giữ cổ phiếu nhóm khai khoáng

Mức Sector Rating của nhóm Khai khoáng ở mức 70 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Nhóm Khai khoáng duy trì tăng trưởng doanh thu trong năm 2021, nhưng do ảnh hưởng từ Covid-19 nên chí phí gia tăng mạnh khiến tăng trưởng LNST của nhóm này giảm so với cùng kỳ. Đồng thời, nhóm Khai khoáng đang giao dịch mức P/E TTM là 27,6x, cao hơn so với định giá của thị trường cho thấy định giá nhóm cổ phiếu này không còn hấp dẫn.

Căng thẳng Nga và Ukraine được xem là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu của nhóm này khi kỳ vọng giá than đã đạt mức kỷ lục 425 USD/tấn, tăng gấp đôi so với đầu năm 2022. FSC cho rằng yếu tố tâm lý từ yếu tố căng thẳng địa chính trị mới là nguyên nhân tác động chính lên diễn biến nhóm cổ phiếu này.

Chỉ số nhóm Khai khoáng đóng cửa tăng 2,2% và đồ thị giá tiến sát mức đỉnh cao nhất lịch sử cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và xu hướng ngắn hạn của chỉ số này vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét NẮM GIỮ.

Cổ phiếu chú ý: VPG, TVD, THT, BMC, MSR

Có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu BCG

Mức Stock Rating của BCG (Công ty cổ phần Bamboo Capital – Sàn HOSE) ở mức 88 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của BCG đóng cửa tăng 7% với KLGD đạt mức kỷ lục. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt đồ thị giá đã thoát khỏi mô hình tích lũy tam giác cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo mua vào phiên 24/01/2022 với lợi nhuận tạm tính là 16,96% cho nên FSC khuyến nghị các NĐT có thể tiếp tục NẮM GIỮ.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi cổ phiếu PTB tại ngưỡng 128.000 đồng/cp

Công ty cổ phần Phú Tài (HOSE – Mã: PTB) có một phiên tăng điểm tốt khi hình thành mẫu hình nến Marubozu cùng khối lượng tăng đột biến. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu trong các phiên giao dịch gần đây.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 và MA50, ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 112.900 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 128.000 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 105.000 đồng/cp.

Cắt lỗ nếu cổ phiếu ITD giảm xuống dưới ngưỡng 15.000 đồng/cp

Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (HOSE – Mã: ITD) nằm trong xu hướng hồi phục sau tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 15.000 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu. Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng vận động tích cực.

Đường giá cổ phiếu vượt ngưỡng MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 16.900 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 20.000 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 15.000 đồng/cp.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 60.400 đồng/CP, upside 18%

BSC dự báo DTT và LNST của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (HOSE – Mã: NKG) trong năm 2022 lần lượt đạt 33.788 tỷ VNĐ (+20% YoY) và 2.399 tỷ VND (+7,8% YoY), EPS FW = 10.985 đồng/CP dựa trên các giả định: (i) Sản lượng tiệu thụ thép các loại +25,7% yoy, (ii) Biên LNG -1% yoy do giá HRC -5% yoy.

Sản lượng tiêu thụ tăng nhờ gia tăng thêm công suất tôn mạ (+30%). Thị trường xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu (80%) do (1) nhu cầu nhập khẩu của các nước phát triển cao; (2) lợi thế chi phí sản xuất tại Việt Nam. Biên lợi nhuận giảm do: (1) áp lực cạnh cao tại thị trường xuất khẩu và (2) biến động giá nguyên vật liệu đầu vào. Giá bán thép giảm mạnh hơn mức dự phóng -5% yoy; Giá nguyên vật liệu biến động mạnh hơn dự báo.

Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong năm 2021 ước đạt 1.15 triệu tấn (+64% YoY), trong đó sản lượng tôn mạ đạt 978 nghìn tấn (+74%yoy), sản lượng thép ống đạt 173 nghìn tấn (+22% yoy). Sản lượng xuất khẩu tôn mạ chiếm 74% tổng sản lượng tiêu thụ, đạt 719 nghìn tấn.

Cổ phiếu NKG hiện đang được giao dịch ở mức PE FW, theo BSC ước tính, chỉ 4,7x. Mức định giá này tương đối rẻ nếu so với các cổ phiếu cùng ngành. BSC sử dụng phương pháp P/E, với PE mục tiêu ở mức 5,5x – tương đương mức PE trung bình trong chu kỳ trước của cổ phiếu này. Với dự báo EPS 2022 FW ở mức 10.985 đồng/CP, BSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 60.400 đồng/CP, upside 18% so với giá đóng cửa ngày 10/03/2022.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thiện Nhân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán