Phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024

(Banker.vn) Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định phê duyệt các Đề án thực hiện có hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Lễ công bố Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề "Kiến tạo tương lai" Thương hiệu quốc gia- Kiến tạo tương lai cho doanh nghiệp Chương trình Thương hiệu Quốc gia: Hành trình hai thập kỷ và những cột mốc quan trọng Ngày này năm xưa 25/1: Ban hành tiêu chí lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia

Ngày 2/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, làm đầu mối tổ chức, quản lý sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, hiệu quả theo đúng định mức, chế độ quy định hiện hành; đồng thời kiểm tra, giám sát tiến độ, tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ.

Phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Ảnh minh họa

Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 bao gồm một số đề án với các nội dung chính như: Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình; Quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt, được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.

Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chi tiết Quyết định số 237/QĐ/BCT xem tại đây.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương