Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh

(Banker.vn) Bài viết tìm hiểu một số điểm mới quy định tại Thông tư 18 nhằm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng, giảm rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đồng thời tăng cường trách nhiệm trong cho vay của các tổ chức tài chính.

Tóm tắt: Trong những năm qua, hành lang pháp lý quản lý thị trường cho vay tiêu dùng không ngừng được hoàn thiện. Trong đó, Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 (Thông tư 18) được kỳ vọng sẽ giúp thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh hơn. Bài viết tìm hiểu một số điểm mới quy định tại Thông tư 18 nhằm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng, giảm rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đồng thời tăng cường trách nhiệm trong cho vay của các tổ chức tài chính.

Developing a safe and sound consumer lending market

Abstract: Over the past years, legal framework for the management of consumer lending market has been continuously improved. In which, Circular 18/2019 / TT-NHNN amending and supplementing a number of articles of Circular No. 43/2016 / TT-NHNN  on consumer lending of financial companies, effective from January 1st  2020 (Circular 18) is expected to make the consumer lending market develop healthier. The article explores some new points specified in Circular 18 in order to limit bad debt from consumer lending activities, reduce risks, protect the legitimate interests of customers  and strengthen liability of financial institutions in lending activities.

Tại Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính quy định: “Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó”.

Tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày và làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn thì tài chính tiêu dùng đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn với nền kinh tế, tiêu dùng cá nhân đang chiếm 67-78% GDP nên tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng, góp phần phát triển thị trường tài chính và giảm tình trạng tín dụng đen.

Những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC). Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể với mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển. 

Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng cao và có tiềm năng phát triển chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng là cần thiết

Trong Thông tư 18, có những quy định mới, cụ thể như quy định về giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với các khoản vay có giá trị lớn (trên 20 triệu đồng). Theo đó, không hạn chế đối với nhu cầu món vay nhỏ dưới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Quy định này cũng giúp cho các CTTC đẩy mạnh hoạt động tại các vùng nông thôn với nhiều món vay tiêu dùng nhỏ lẻ.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Quy định này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ giúp hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Thông tư quy định đến ngày 1/1/2024, các CTTC mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.

Ngoài ra, theo Nghị định số 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC, công ty cho thuê tài chính thì CTTC được cấp tín dụng tiêu dùng (bao gồm: cho vay tiêu dùng (cho vay giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng) và phát hành thẻ tín dụng); cho vay phục vụ nhu cầu đời sống trong giới hạn 30% tổng dư nợ. Do vậy, nếu tính cả dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống thì tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp thực tế (cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống) trên tổng dư nợ còn cao hơn mức 30%.

Các quy định trên nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 12), trên cơ sở mục tiêu quản lý nhà nước, lộ trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN. Qua đó, vừa thúc đẩy vai trò của các CTTC tiêu dùng, đồng thời phải có kiểm soát để giảm rủi ro phát sinh từ việc các CTTC tập trung cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trong thời gian qua. Các quy định này cũng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng thực sự, từ đó giảm rủi ro, khiếu nại, tranh chấp từ khách hàng, giảm lãi suất cho vay, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Và cuối cùng là để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh. Do đó, việc quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường trách nhiệm trong cho vay của CTTC

Về quy định thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng, Thông tư 18 quy định: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Quy định này để hạn chế tình trạng một số CTTC nhắc nợ, đòi nợ quá nhiều, thông tin về tình trạng khoản vay của khách hàng, đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ, thông tin sai về nghĩa vụ nợ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), bảo mật thông tin khách hàng chưa phù hợp quy định pháp luật, gây bức xúc dư luận, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay.

Thông tư số 18 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của CTTC trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư 43, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC, cụ thể: CTTC phải niêm yết công khai tại trụ sở, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC các nội dung: khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC. Đồng thời, CTTC phải đăng tải thông tin liên hệ của CTTC, danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ, những điều cần biết về cho vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp trong cho vay tiêu dùng trên trang thông tin điện tử của CTTC.

Bên cạnh đó, CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được CTTC cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

CTTC cũng phải quy định cụ thể trách nhiệm của người quản lý, phụ trách điểm giới thiệu dịch vụ trong việc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có điểm giới thiệu dịch vụ.

Thông tư 18 cũng quy định CTTC cần thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá nhân viên, hạn chế rủi ro đạo đức; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng, ý thức tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên. Đồng thời, CTTC thực hiện giám sát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ về hoạt động cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, bộ phận, đơn vị có liên quan tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của CTTC, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ; phát hiện kịp thời các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay tiêu dùng, thông báo, cảnh báo trong hệ thống CTTC để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro, các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, quy trình, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; công bố công khai trong nội bộ việc xử lý các vi phạm này.

Ngoài ra, Thông tư 18 còn bổ sung quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thanh tra, giám sát hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của CTTC trên địa bàn.

Để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng để tạo nền tảng cho hệ thống NHTM và các TCTD hoạt động tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, cần tăng cường các chính sách, biện pháp và vai trò các tổ chức liên quan trong việc bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết tài chính, nhận thức về quản lý tài chính trong cộng đồng; tăng cường các hình thức giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính đối với người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20 năm 2021

Phương Chi

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục