Phát triển thẻ tín dụng nội địa trở thành chủ lực trong tín dụng tiêu dùng

(Banker.vn) Nhiều tiềm năng nhưng để phát triển thẻ tín dụng nội địa trở thành chủ lực trong tín dụng tiêu dùng, theo các chuyên gia, ngành Ngân hàng sẽ cần nhiều giải pháp thường xuyên và liên tục.
the-tin-dung-noi-dia.jpg

Nhiều dư địa phát triển

Đánh giá về thị trường thẻ nội địa, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho rằng thời gian qua thẻ tín dụng nội địa có bước phát triển đáng kể. Mức độ tăng trưởng bình quân là 29,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

1-ong-pham-anh-tuan.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, NHNN Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc NAPAS, cũng khẳng định thời gian qua thẻ tín dụng ở Việt Nam có sự phát triển từ “không đến có”. Đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của 15 ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

2-ong-nguyen-dang-hung.jpg
Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc NAPAS

Tăng trưởng nhanh nhưng nếu so với thẻ tín dụng quốc tế thì tỷ lệ này vẫn chưa cao. Ông Phạm Anh Tuấn đã chỉ ra, trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, thẻ nội địa chỉ có trên 800 nghìn, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. "Trước thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn sự phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định.

Số liệu từ FiinGroup cũng cho thấy, trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.

Theo ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank, mặc dù thanh toán thẻ nói riêng, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng sự bùng nổ này phần lớn tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với 90% giao dịch là tiền mặt còn nhiều tiềm năng và bỏ ngỏ. Hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ như mạng lưới POS còn khá mỏng, sự phát triển còn hạn chế trong khi người dân vẫn còn e ngại tính an toàn của công nghệ thanh toán mới là rào cản đối với việc mở rộng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực này.

Ông Phúc nhận định, khách hàng khi nói đến thẻ tín dụng, thường sẽ nghĩ ngay đến thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, thẻ tín dụng quốc tế trên thị trường thường có nhiều khoản phí, do đó khả năng tiếp cận của khách hàng thấp. Thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên. Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán.

Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ ngân hàng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, mức độ phổ cập của các hình thức thanh toán hiện đại, trong đó có thẻ tín dụng càng trở nên phổ biến. Một số liệu so sánh cho thấy, chỉ hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, bao gồm cả thẻ tín dụng quốc tế. Còn ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%, Đài Loan, Trung Quốc 54%, Nhật Bản 68%... Như vậy, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển.

“Thị trường còn nhiều tiềm năng, phân khúc khách hàng lớn, sản phẩm ưu điểm vượt trội tuy nhiên việc phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng và còn hạn chế so với thẻ tín dụng quốc tế”, ông Phúc đánh giá.

Giải pháp quan trọng để phát triển thẻ nội địa

Để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng loại thẻ tín dụng này.

Đồng thời, theo Vụ trưởng Vụ thanh toán, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm… Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Mặt khác, ông Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

3-agribak.jpg
Ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng Giám đốc Agribank

Ở góc độ ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Agribank đề xuất 4 giải pháp gồm:

Thứ nhất, công tác truyền thông, tuyên truyền trong xã hội về sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được đẩy mạnh. Trong đó, tập trung những ưu điểm, tính năng vượt trội, phương thức thanh toán an toàn bảo mật… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về sự phối hợp của khách hàng trong hạn chế rủi ro, bảo mật thanh toán điện tử nói chung, thanh toán thẻ nói riêng. Qua đó, tạo được niềm tin và sự an tâm của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa,

Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa NAPAS và các bộ, ngành trung ương mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ nội địa, tạo hệ sinh thái thanh toán thẻ, gia tăng tính năng, tiện ích cho khách hàng sử dụng cũng như góp phần số hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế...

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành cần có hệ thống thông tin cá nhân điện tử đầy đủ, chính xác, được cập nhật liên tục qua đó các tổ chức phát hành thẻ có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc truy cập, lấy thông tin để đánh giá và cấp tín dụng cho khách hàng.

Thứ tư, luật hoá hoạt động thanh toán thẻ bằng cách bắt buộc tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải chấp nhận thanh toán thẻ. Áp dụng chính sách khấu trừ thuế đối với các khoản chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng.

4-le-phuong-hai.jpg
Ông Lê Phương Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit)

Ông Lê Phương Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) thì cho rằng phần đông công chúng vẫn còn đang chưa phân biệt được thẻ tín dụng nội địa là một sản phẩm độc lập, mang yếu tố quốc gia. Việc sử dụng khá phức tạp và có phần rủi ro lớn đối với người dùng phổ thông của thẻ tín dụng quốc tế lan sang thẻ tín dụng nội địa vốn không mang các đặc trưng này. Do đó, tăng cường truyền thông về thẻ tín dụng nội địa xoay quanh các yếu tố đặc trưng của sản phẩm tạo điều kiện để mở rộng thị trường và đến một lúc nào đó sẽ có bước đột phá.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ