Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Đẩy lùi tín dụng đen

(Banker.vn) Với nhiều ưu điểm: Cấp hạn mức, cấp phép phát hành đơn giản, sử dụng để chi tiêu bất cứ khi nào… Thẻ nội địa, thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Tín dụng đen “vây bủa” công nhân lao động Không để tín dụng đen “bủa vây” công nhân lao động Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam

Con đường tiếp cận tài chính toàn diện

Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng hiện có trên 100 đơn vị, bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, tiếp đó là khoảng 1.200 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, hàng chục tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, dường như mức độ phủ sóng các khoản vay tiêu dùng trực tiếp hay qua thẻ đối với nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.

Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện; trong đó, thẻ tín dụng nội địa là giải pháp, công cụ đắc lực để thực hiện chiến lược này.

Trao đổi về thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay: Trong 5 năm qua, thẻ nội địa ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền tại hơn 20.000 điểm ATM.

Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, cũng trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%.

Thời gian qua, NAPAS đã hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ, đặc biệt là ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đưa ra sản phẩm thẻ tín dụng nội địa dựa trên nền tảng thẻ chip.

"Đến thời điểm này, 600.000 thẻ đã được phát hành. Con số này không quá lớn nhưng xét trong điều kiện nhiều lần giãn cách do dịch COVID-19, đồng thời với thẻ tín dụng nội địa người dân phải đến trực tiếp tổ chức phát hành để ký và nhận thì con số trên cũng đáng được ghi nhận" - ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Đại diện NAPAS cho hay: Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính toàn diện mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra. Người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, đặc biệt người kinh doanh cá thể, người nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận như một nguồn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của mình.

"Thẻ tín dụng nội địa cũng có nhiều ưu điểm, như với hạn mức nhỏ nên các yêu cầu về việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế tương tự. Với thẻ này, người lao động có nhu cầu thì có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay kể cả tín dụng đen" - ông Hùng cho hay.

Đặc biệt, các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi vay lên tới 60 ngày. NAPAS đã hợp tác với các ngân hàng để đưa ra sản phẩm thẻ, cả sản phẩm thẻ Agribank Lộc Việt 2 trong 1, hay Vietcredit… Đây cũng là định hướng sắp tới để đẩy mạnh việc hợp tác phổ cập thẻ tín dụng nội địa đến đa số người dân.

Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Đẩy lùi tín dụng đen
Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một trong những giải pháp đẩy lùi tín dụng đen

Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank cho biết: Thẻ tín dụng Lộc Việt của ngân hàng tích hợp hai ứng dụng thẻ: Thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trên cùng một con chip, theo chuẩn VCCS, khách hàng có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán: Sử dụng tiền của mình khi chọn thẻ debit hoặc khi không có tiền có thể chọn chức năng của thẻ tín dụng.

Đối với sản phẩm thẻ Lộc Việt, khách hàng hưởng rất nhiều tiện ích ưu đãi như miễn hoàn toàn phí phát hành; miễn phí thường niên năm đầu cho chủ thẻ; khách hàng có thể sử dụng tiền ngân hàng không phải trả lãi đến 55 ngày. Hạn mức của thẻ tích hợp 2 ứng dụng trên một thẻ nên có thể cấp hạn mức thấu chi lên tới 50 triệu đồng.

Còn đối với thẻ tín dụng, cấp hạn mức lên tới 30 triệu đồng. Khách hàng có thể sử dụng trên nhiều kênh thanh toán, có thể rút tiền mặt ở ATM hoặc thanh toán tại tất cả các điểm chấp nhận thẻ trong toàn quốc, hiện nay có hơn 300.000 điểm chấp nhận thẻ này.

Lãi suất của thẻ hiện tại là 13%/năm và tỉ lệ thanh toán của thẻ tín dụng chỉ 2%/tháng, khách hàng cũng có thể áp dụng rất nhiều hình thức thanh toán, có thể thanh toán tại quầy giao dịch, ra ATM thanh toán dư nợ hoặc có thể thanh toán dư nợ trên ứng dụng E-mobile banking và khi khách hàng thanh toán, hạn mức được hoàn lại ngay lập tức.

Tích cực quảng bá để tín dụng tiêu dùng đến gần hơn với người dân

Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách phòng phát triển Thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay hành lang pháp lý cho thẻ ngân hàng, trong đó bao gồm cả thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ. Các ngân hàng cũng đã triển khai phát hành với một khối lượng tương đối lớn.

Do các ngân hàng mới bắt đầu phát hành thẻ tín dụng nội địa nên việc đưa loại thẻ này trở thành một giải pháp người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng thì thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp hiệu quả.

Cụ thể, các tổ chức phát hành thẻ, phải có chương trình quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa đến đông đảo người dân. Hiện tại, người dân ở khu vực thành thị cũng đã quen với thẻ tín dụng ngân hàng hay thẻ tín dụng quốc tế. Nhưng với thẻ tín dụng nội địa mới được phát hành nên người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo hay công nhân ở các khu công nghiệp, người dân yếu thế chưa có điều kiện tiếp cận thì cần phải giới thiệu cho họ hiểu các tính năng, tiện ích của thẻ tín dụng nội địa. Qua đó, họ dễ dàng tiếp cận, sử dụng cho các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, hoặc trong trường hợp khẩn cấp dễ dàng ra cây ATM rút tiền mặt để chi tiêu. Điều này góp phần giải quyết vấn đề tín dụng đen.

Đồng thời, khi phát hành thẻ tín dụng nội địa, các tổ chức phát hành thẻ cũng nên có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để người dân có thể tiếp cận được và sử dụng sản phẩm một cách có lợi nhất.

"Thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ" - ông Giang nhấn mạnh.

Về phía các tổ chức tín dụng, cần cải tiến quy trình mở thẻ đơn giản, nhanh chóng và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán. Đặc biệt, việc thanh toán trên môi trường online, thương mại điện tử.

"Đầu năm 2022, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn, các tổ chức có thể phát hành thẻ qua online. Như vậy, điểm chấm điểm khách hàng cũng rất quan trọng, để làm sao đáp ứng được yêu cầu về vốn ngay và nhu cầu chi tiêu cấp thiết hàng ngày, phổ cập tài chính toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen" - ông Giang thông tin thêm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, NAPAS cần phối hợp với tổ chức phát hành, thanh toán thẻ để mở rộng mạng lưới, khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Đến thời điểm hiện tại, có 12 tổ chức đã triển khai phát hành sản phẩm thẻ tín dụng nội địa (9 ngân hàng và 3 công ty tài chính). Số lượng thẻ tại cuối tháng 6/2022 đạt khoảng 600.000 thẻ, tăng trưởng 26% so với cuối năm 2021. Trước đó, tốc độ tăng trưởng này đạt trung bình 23,2%/năm trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương